Năm 2014, từ nguồn vốn sự nghiệp, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Trà Vinh đã triển khai và thực hiện mô hình trình diễn nuôi cá thát lát cườm (cá thát lát cườm) ghép với cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp tại 02 huyện Tiểu Cần và huyện Trà Cú.
Mô hình được triển khai với diện tích 2.500 m2, số lượng con giống 20.000 con cá thát lát và 5.000 con cá sặc rằn, tỉ lệ ghép cá thát lát: cá sặc rằn là 8:2. Trung tâm KNKN Trà Vinh hỗ trợ 100% chi phí tiền con giống và tổ chức 05 cuộc tập huấn, tọa đàm, tham quan cho 164 lượt người tham dự và cử cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cho các hộ tham gia mô hình.
Đại biểu và bà con nông dân tham quan mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn tại xã kim Sơn, huyện Trà Cú
Sau 8 tháng nuôi, năng suất cá thác lác ước đạt 6,1 tấn và năng suất cá sặc rằn ước đạt 0,5 tấn, với giá bán cá thác lác là 58.000 đồng/kg và cá sặc rằn là 35.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí (cải tạo ao, cá giống, thức ăn, công lao động…), lợi nhuận thu được từ 30 triệu đến 35 triệu đồng/1.000 m2 diện tích ao nuôi.
Cá thát lát cườm là loài cá ăn tạp, có thể ăn thức ăn tự chế từ nguồn cá tạp, phế phẩm nông nghiệp và thức ăn công nghiệp; khi nuôi ghép, cá sặc rằn tận dụng thức ăn thừa và dọn dẹp nền đáy ao. Đây là những loài cá thích hợp điều kiện ở vùng nước ngọt, lợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhưng để đạt hiệu quả cao, cần chú ý các điều kiện như: mực nước thả nuôi tốt nhất từ 1,5 – 1,7 m, cá giống mang về tốt nhất nên có thời gian ương dưỡng trong vèo, khi mua giống cần chọn những đàn cá màu sắc sáng bóng, hoạt động nhanh nhẹn, kích cỡ phải tương đối đồng đều, đặc biệt là đã chuyển sang ăn thức ăn công nghiệp.
Như vậy, qua thực hiện mô hình, nhìn chung cá phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, phát triển đồng đều, hạn chế được ô nhiễm môi trường, ít tốn công chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao. Đây là mô hình có khả năng phát triển, cần được chú ý đầu tư và nhân rộng cho người dân trong thời gian tới.