(TSVN) – Theo chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được ban hành mới đây, trong thủy sản vẫn sẽ có 3 đối tượng nuôi được thụ hưởng là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra, thực hiện áp dụng đối với các hộ nghèo và cận nghèo từ ngày 9/5/2022 đến ngày 31/12/2025.
Cụ thể, mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) thực hiện hỗ trợ mức tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Tôm thẻ chân trắng là một trong 3 đối tượng nuôi được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: MARD
Thứ hai, cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng mức hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Còn đối với tổ chức sản xuất nông nghiệp thì hỗ trợ mức tối đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các văn bản khác theo đúng quy định.
Cũng theo Nghị định mới này, rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra bao gồm thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, sẽ không hỗ trợ đối với các rủi ro về dịch bệnh đối với cả 3 đối tượng là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm trong thủy sản là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
PV