Với bờ biển dài hơn 30 km tiếp giáp biển, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản nước lợ nhưng trước tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra phổ biến, nhiều bà con huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) dần chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến (QCCT), bao gồm cả luân canh lúa – tôm. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến nuôi tôm bền vững.
Theo thống kê của ngành thủy sản huyện Tân Phú Đông, năm 2013, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn huyện gần 3.900ha với sản lượng trên 7.000 tấn chiếm 71% diện tích và 41% sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó, nuôi QCCT hơn 2.000 ha (tăng thêm 25ha so với cùng kỳ năm trước) được khuyến khích mở rộng. Bởi nuôi tôm theo mô hình QCCT ít dịch bệnh, ít rủi ro và vốn đầu tư ban đầu ít hơn so với hình thức nuôi tôm công nghiệp.
Ngành chức năng huyện Tân Phú Đông tham quan mô hình nuôi tôm QCCT của anh Hà Văn Hải.
Anh Hà Văn Hải, xã Phú Tân, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi tôm theo mô hình công nghiệp nhưng rủi ro rất cao, vốn đầu tư nhiều, dịch bệnh xảy ra xem như mất trắng. Tôi và nhiều bà con nơi đây dần dần chuyển sang nuôi QCCT, hoặc luân canh lúa – tôm,… Hai mô hình này vốn ít và cũng ít xảy ra dịch bệnh nên an tâm đầu tư”. Anh Nguyễn Văn Tân xã Phú Tân, cho biết: “Nuôi tôm QCCT, nếu biết cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ theo khuyến cáo của các ngành chức năng thì mang lại hiệu quả rất cao”. Theo các hộ nuôi tôm QCCT tại xã Phú Tân, chi phí đầu tư cho nuôi tôm QCCT khoảng 7 triệu đồng/ha, luân canh tôm – lúa 11 triệu đồng/ha. Năng suất trung bình đối với hình thức nuôi tôm QCCT đạt khoảng 370 kg tôm thương phẩm/ha, mô hình luân canh tôm – lúa khoảng 300 kg/ha và năng suất lúa trung bình 3,7 tấn/ha. Năng suất tôm, cua, cá tự nhiên bình quân mỗi vụ thu được từ mô hình nuôi tôm QCCT, luân canh tôm – lúa cũng đạt khoảng 50 kg/ha. Lợi nhuận mỗi vụ từ mô hình nuôi tôm QCCT bình quân đạt 40 triệu đồng/ha, luân canh tôm – lúa 50 triệu đồng/ha. Trong đó, mô hình nuôi luân canh tôm – lúa tỷ lệ thành công cao với 70% số hộ nuôi có lợi nhuận, còn mô hình nuôi QCCT đạt khoảng 50%.
Để mô hình nuôi tôm QCCT phát triển bền vững, thời gian qua, các ngành chức năng của huyện, nhất là Trạm khuyến nông tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, trình diễn mô hình nuôi tôm cho người dân. Từ đó nâng cao ý thức và có những định hướng đúng đắn cho người dân tiếp tục chuyển đổi sang hình thức nuôi trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tân Phú Đông, cho biết: Những năm gần đây, trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến khá phức tạp, để tránh rủi ro cho người nuôi tôm, huyện cũng như các ngành chức năng khuyến cáo bà con nên dựa vào điều kiện của vùng mà đầu tư sang nuôi QCCT hoặc luân canh lúa – tôm. Để mô hình nuôi tôm QCCT phát triển bền vững trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần vận động người dân xây dựng mô hình nuôi tôm mang tính cộng đồng, có trách nhiệm. Nhà nước cần có kế hoạch nạo vét lại hệ thống kinh, rạch đảm bảo nguồn nước luôn lưu thông tốt, đủ nước để phục vụ cho sản xuất và nuôi thủy sản.