Dù đã được nuôi thành công tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương nhưng hiện nay, mô hình nuôi cá tầm lần đầu tiên được thử nghiệm tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Kết quả bước đầu được đánh giá là khả quan và đã mở ra một hướng làm kinh tế mới cho người dân trên địa bàn.
Vừa về hưu, ông giáo Hoàng Ngọc Hùng (59 tuổi, ngụ thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) đã mày mò thử nghiệm mô hình nuôi cá tầm – một loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao. Để chuẩn bị cho ý tưởng của mình, ông Hùng đã lặn lội đi các nơi chuyên nuôi cá tầm để học hỏi kinh nghiệm và lên mạng tra cứu thông tin về cách nuôi loài cá nước lạnh này. Ông nói: “Ngày trước tôi chuyên nuôi trùn quế bán cho các công ty nuôi cá tầm nhưng nhiều lần tò mò, tôi tự hỏi tại sao họ lại thu mua trùn quế nhiều như vậy? Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi được biết đến mô hình nuôi cá tầm tại Lâm Đồng có giá trị kinh tế rất lớn nên mới bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu mô hình này”.
Nhiệt độ nước hồ Phúc Thọ phù hợp nên bè cá tầm của ông Hùng tăng trưởng khá tốt
Sau một thời gian tìm hiểu chi tiết về nguồn giống, kỹ thuật cho cá ăn, nhiệt độ nước thích hợp để nuôi cá… ông Hùng quyết định bỏ 500 triệu tiền vốn đầu tư nuôi cá tầm. Lứa đầu tiên, ông coi như một cuộc thử nghiệm, có thể thắng thua hoặc huề vốn. Sau khi hợp đồng thuê được diện tích mặt nước hồ Phúc Thọ (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà), ông Hùng đã mua 1.500 con cá tầm giống đầu tiên (loại to bằng ngón tay cái, giá 65.000 đ/con) và thuê người chăm nuôi.
Trong diện tích hồ nước rộng gần 50 hecta, bè cá tầm của ông Hùng nằm lọt thỏm giữa mặt nước xanh ngắt. Khu bè cá có tổng diện tích 160 m2 với 12 lồng nuôi cá được quây lưới cẩn thận. Lứa cá đầu tiên được thả từ tháng 5/2011 và hiện đã xuất bán gần hết cho các thương lái với giá trung bình từ 230.000 – 250.000 đ/kg. Hiện nay, trong bè cá chỉ còn khoảng 500 con (nặng khoảng 2 – 2,5 kg/con) đang chờ bán tiếp. Anh Nguyễn Khắc Tám (người nuôi cá thuê cho ông Hùng) cho biết: “Nhiệt độ tại hồ nước này khá thuận lợi cho việc nuôi cá tầm nên tôi thấy cá cũng lớn rất nhanh. Như cá nuôi ở bè này sau 1 năm nuôi thả, mỗi con cá đạt trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3 kg”.
Cách bè cá cũ của ông Hùng không xa là bè cá mới khá lớn cũng vừa được hình thành. Bè cá này có diện tích 360 m2 với 9 lồng nuôi cá. Đây là bè cá được ông Hùng liên kết với 1 công ty chuyên nuôi cá tầm trên Đà Lạt xuống hợp đồng. Đơn vị liên kết có nhiệm vụ cấp giống, vốn… còn ông Hùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý bè cá. Ông Hùng cho biết: “Sau lứa cá nuôi thử nghiệm đầu tiên tôi thấy nuôi cá tầm cũng không khó lắm. Hiện giờ tôi đang liên kết với một công ty nuôi cá tầm để mở rộng mô hình và trong hướng phát triển 5 năm tới, chúng tôi cũng đề ra mục tiêu nuôi cá tầm lấy trứng vốn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.
Trong khi đó, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà cũng đang thực hiện đề án nghiên cứu, đánh giá về mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trên địa bàn huyện Lâm Hà. Qua nghiên cứu cho thấy, Lâm Hà là một trong những địa phương trong tỉnh có độ cao trên 600m so với mực nước biển và hoàn toàn có thể nuôi được cá tầm. Tuy đây là mô hình kinh tế mới, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng xem ra khá phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu tại vùng đất này.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà, nhận định: “So với Đà Lạt và Lạc Dương thì điều kiện của Lâm Hà chắc chắn sẽ không bằng nhưng thực tế, các mô hình nuôi thử nghiệm của một số người dân trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã khá thành công. Tuy nhiên, cá tầm là một loài khó nuôi và đòi hỏi nhiều kỹ thuật trong chăm sóc nên người dân cũng cần lưu ý đến nhiệt độ nước, mức độ ô nhiễm nguồn nước cũng như các biện pháp để khắc phục các tình trạng này, tránh thiệt hại về kinh tế”.
Nguyễn Dũng
Theo Báo Lâm Đồng