Tận dụng những thửa ruộng, hố bom bên khe suối cải tạo thành những ao hồ để nuôi cá nước ngọt, nhất là nuôi cá chim trắng, nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân là chủ trương mà huyện Ba Tơ triển khai trong những năm gần đây. Mô hình này đang thu hút nhiều hộ đồng bào dân tộc tham gia.
Bên cạnh diện tích đất ruộng rộng lớn, Ba Tơ có hàng chục ha mặt nước gần sông, suối rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi cá nước ngọt. Dù vậy, nhiều năm qua, người dân Ba Tơ vẫn chỉ gieo trồng mỗi cây lúa nước mà ít quan tâm đến việc tận dụng mặt nước đó để nuôi cá. Chính vì thế hiệu quả trong sản xuất và giá trị đem lại từ cùng một đơn vị diện tích chưa cao. Nhiều diện tích mặt nước còn bị bỏ hoang hoặc sử dụng ít hiệu quả.
Nhiều hộ dân ở khu vực miền núi tận dụng các hố bom cải tạo thành ao nuôi cá rất hiệu quả.
Từ thực tế trên, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ đã khảo sát và triển khai thí điểm mô hình nuôi cá chim trắng ở xã Ba Tiêu, nhằm cải thiện bữa ăn hằng ngày cho đồng bào. Bởi Ba Tiêu là xã có diện tích mặt nước lớn, thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt… Từ chủ trương trên, Trạm triển khai mô hình nuôi cá chim trắng trên 500m2 mặt nước ở hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thôn Làng Trui. Tổng kinh phí của mô hình 20 triệu đồng, được trích từ nguồn vốn khuyến nông huyện. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ cá giống, thức ăn, vôi bột sát trùng hồ nuôi… gia đình chỉ bỏ công chăm sóc.
Sau khi dọn vệ sinh hồ nuôi, Trạm Khuyến nông huyện mua 1.000 con cá giống chim trắng cấp cho gia đình thả nuôi và ngay từ đầu vụ, Trạm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật xử lý ao hồ nuôi, chăm sóc cá theo quy trình kỹ thuật cho hộ gia đình tham gia mô hình. Mặt khác, trong suốt thời gian sinh trưởng của cá, Trạm cử cán bộ kỹ thuật theo sát nông dân để hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá… Nhờ đó, sau 8 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng bình quân 0,75kg/con, sản lượng 675kg.
Ông Nguyễn Văn Thành – chủ hộ nuôi cá cho biết: “Qua nuôi cá, tôi thấy cá chim trắng ăn rất tạp. Chúng có thể ăn các thức ăn có nguồn gốc động thực vật, sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao. Hơn nữa, giống cá chim trắng được cấp nên đảm bảo nguồn cá giống khỏe, sạch bệnh, đạt tỉ lệ nuôi sống trên 90%. Áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá mặt nước, kết hợp mở cống lấy nước từ con suối gần nhà vào hồ nên cá lớn nhanh. Trước đây tôi cũng nuôi cá ở các hồ nước tù đọng, nên cá không lớn được. Mặt khác, vì nguồn giống không đảm bảo, nhiều khi mới thả ngày trước, ngày sau đã thấy cá chết trắng mặt ao, nên đến kỳ thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Còn bây giờ, chỉ sau 8 tháng nuôi đã cho thu hoạch 675kg. Với giá cá 35.000đ/kg, gia đình có nguồn thu hơn 23,6 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 3,6 triệu đồng. Số tiền này đủ chi tiêu cho gia đình”.
Ông Nguyễn Thanh Lục – Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết: Thấy mô hình nuôi cá chim trắng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở khu vực miền núi, Trạm đã mạnh dạn xây dựng mô hình và triển khai nuôi thử ở những thửa ruộng, hố bom ven khe suối của xã Ba Tiêu và hiệu quả thật bất ngờ, mở ra hướng phát triển thủy sản ở khu vực miền núi Ba Tơ. Bởi việc nuôi cá chim trắng trong ao nhỏ theo quy trình kỹ thuật mới rất đơn giản, dễ nuôi, lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Để mô hình được nhân rộng, sắp tới Trạm sẽ phối hợp với các xã vận động, hướng dẫn người dân tận dụng diện tích mặt nước lâu nay chưa được sử dụng hiệu quả để làm ao hồ nuôi cá; đồng thời, nhân rộng mô hình nuôi cá chim trắng nhằm đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Ông Phạm Văn Xế – Chủ tịch UBND xã Ba Tiêu khẳng định: Thấy mô hình nuôi cá chim trắng hiệu quả, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã đã đào ao nuôi cá. Bởi hiệu quả bước đầu của mô hình không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho bà con trong xã, mà còn nâng cao giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, tăng thêm thu nhập, giải quyết công lao động nhàn rỗi cho hộ gia đình.