T2, 06/07/2020 01:15

Triệt để ngăn chặn khai thác trái phép

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và biện pháp ngặn chặn, thế nhưng hiện nay tình hình khai thác thủy sản trái phép của tàu cá Việt Nâm, nhất là tại các vùng biển nước ngoài vẫn còn tồn tại trong khi công tác xử phạt còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân   Ảnh: CTV

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân Ảnh: CTV

Những con số báo động

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Cà Mau, từ ngày 23/10/2017 đến nay, tỉnh có tổng số 19 tàu cá/108 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài và những tháng đầu năm 2018, 6 vụ vi phạm 8 tàu cá và 48 ngư dân bị bắt giữ. Còn riêng thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, có 15 tàu cá với 85 ngư phủ bị nước ngoài bắt giữ.

Tại tỉnh Bình Định, từ năm 2013 đến 2016 có 105 tàu/831 ngư dân bị nước ngoài bắt, xử lý; số vụ vi phạm có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2017, tình trạng tàu cá, ngư dân tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ có giảm so các năm trước, nhưng vẫn còn xảy ra 21 tàu cá/175 ngư dân bị bắt. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 10 tàu/82 ngư dân bị các nước bắt giữ.

Còn tại tỉnh Bình Thuận, theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 5 vụ/51 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; trong đó, Thái Lan 4 tàu cá/29 ngư dân, Malaysia 2 tàu/14 ngư dân, Indonesia 1 tàu/8 ngư dân…

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, Chính ủy Bộ đôi Biên phòng Bình Định cho biết, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở chưa có biện pháp ngăn chặn đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, hầu hết các phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài đều xuất bến và hoạt động chủ yếu ở vùng biển phía Nam, chính quyền địa phương không quản lý được. Từ năm 2015 đến nay, trong số 90 tàu cá tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ có tới 72 tàu cá xuất bến từ các bến, cảng cá ở các tỉnh phía Nam.

Theo kiến nghị của các địa phương, một trong những lý do khiến hoạt động khai thác hải sản còn nhiều bất cập, vi phạm vùng biển nước ngoài, không có báo cáo là do chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc tuyên truyền và xử phạt các tàu vi phạm trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, do các thuyền trưởng, thuyền viên thường xuyên trên biển, còn gắn trách nhiệm cho chủ tàu cũng khó thực hiện. Qua khảo sát thực tế, đại diện Bộ Quốc phòng cũng chỉ rõ một tồn tại, một bộ phận ngư dân biết rất rõ nơi nào là ngư trường được phép đánh bắt, nơi nào không nhưng vẫn cố tình vi phạm vì nguồn lợi thủy sản ở đó tương đối lớn.

Cấp bách vào cuộc

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản 2017, mức xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay, từ 100 triệu đồng lên 1 tỷ đồng và cương quyết rút giấy phép đối với những tàu vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý ngay khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài như không cấp giấy phép mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình; cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp để áp dụng biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này.

Mới đây, Cà Mau đã quyết định thành lập Tổ thẩm định lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau, do ông Trần Quốc Chính, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ thẩm định: Yêu cầu các đơn vị tham gia cung cấp thiết bị giám sát tàu cá cung cấp tài liệu thuyết minh tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và kết quả thực hiện thí điểm của thiết bị; Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc đánh giá các yêu cầu tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị giám sát tàu cá của các đơn vị tham gia cung cấp hệ thống thiết bị quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh; Xây dựng Kế hoạch triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt… Dự kiến ngày 15/9/2018, tỉnh Cà Mau sẽ lắp đặt thiết bị hành trình cho các tàu đã từng vi phạm trước và đến tháng 12/2018, các phương tiện khai thác xa bờ toàn tỉnh sẽ được lắp đặt hết các thiết bị.

Từ ngày 23/10/2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển ngoài bị bắt giữ; 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!