Hiện nay người nuôi tôm tại ĐBSCL nói chung, Sóc Trăng nói riêng đã áp dụng nhiều mô hình nuôi cho năng suất, hiệu quả cao. Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn có thu tỉa của ông Tăng Văn Xúa, ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu thực hiện từ năm 2016 đã rất thành công, lợi nhuận mỗi năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.
Năng suất tôm nuôi theo quy trình 2 giai đoạn của C.P. Việt Nam luôn ổn định ở mức cao
Theo ông Tăng Văn Xúa, điểm nổi bật của mô hình này là tôm nuôi ít khi bị dịch bệnh và tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, do đây là mô hình mới, cộng thêm chi phí đầu tư tương đối lớn, nên ông chỉ dành ra 2 ha để thực hiện mô hình này. Ông Xúa chia sẻ: “Đây là mô hình của Công ty C.P. Việt Nam hướng dẫn áp dụng. Muốn thực hiện mô hình này, trước hết phải thiết kế lại ao nuôi, đầu tư bạt, tăng thêm hệ thống tạo ôxy, lắp đặt hệ thống xi phông… mỗi ha phải đầu tư 600 – 700 triệu đồng. Tuy chi phí đầu tư có cao, nhưng bù lại rủi ro rất thấp và tỷ lệ thành công là rất lớn”.
Với diện tích 2 ha, ông Xúa chỉ dành ra 2 ao nuôi lót bạt đáy, mỗi ao 1.500 m2, 1 ao ương 150 m2 và 3 ao lắng 4.000 m2/ao. Hàng năm, vào khoảng tháng 2 (dương lịch), khi độ mặn đạt từ 5 – 10‰, ông tiến hàng lấy nước vào ao lắng 1, kết hợp thả 100 kg cá rô phi. Sau 2 – 3, ngày khi nước trong ao 1 đã lắng trong sẽ được bơm sang ao lắng 2 để xử lý bằng 12 kg thuốc tím. Một ngày sau, nước từ ao lắng 2 tiếp tục được bơm sang ao lắng 3 (còn gọi là ao sẵn sàng) để xử lý bằng chlorine nồng độ 7 – 10‰ khoảng 2 – 3 giờ sau là có thể bơm qua ao ương hoặc ao nuôi.
Tùy theo độ mặn và tình hình sức khỏe tôm nuôi, thời gian ương có thể kéo dài từ 14 – 26 ngày ở mật độ ương 300 – 360 nghìn con/150 m2. Ông Xúa cho biết thêm: “Thường tôi ương ít gì cũng 20 – 26 ngày mới cho qua ao nuôi, bằng cách rút ông xả đáy để đưa tôm trực tiếp từ ao ương sang ao nuôi, nên tỷ lệ hao hụt là gần như không có. Với mật độ ương trên, tại ao nuôi sẽ có mật độ trung bình khoảng 220 con/m2, nên mỗi ngày phải xi phông ít nhất là hai lần vào buổi sáng và buổi chiều, kết hợp do đạc, kiểm soát các yếu tố môi trường, như: pH, kiềm, ôxy hòa tan và bổ sung các loại khoáng”.
Ao ương và ao nuôi được thiết kế rất khoa học để nuôi mật độ cao
Do nuôi mật độ tương đối dầy, nhưng độ mặn thường không được cao, nên ông Xúa có sáng kiến thu tỉa khi tôm bắt đầu được 60 ngày tuổi. Ông Xúa giải thích: “Tới 60 ngày mỗi tuần phải thu tỉa 1 lần, nếu không tôm sẽ chậm lớn. Đến khoảng 90 ngày thì thu hoạch dứt điểm, hệ số thức ăn tính ra khoảng 1,3. Với cách làm trên, chỉ 1 vụ nuôi trong năm 2017, tôi thu hoạch tổng cộng 16 tấn tôm, lợi nhuận 1,45 tỷ đồng. Ở vụ sau, do độ mặn xuống thấp nên tôi không thực hiện 2 giai đoạn mà thả nuôi trực tiếp, nhưng cũng rất hiệu quả nhờ duy trì xi phông đáy”.
Qua 2 năm nuôi tôm 2 giai đoạn theo quy trình của C.P. Việt Nam theo ông Xúa, năng suất tôm nuôi rất ổn định và hạn chế rất nhiều dịch bệnh trên tôm nhờ có xi phông, bổ sung nước mỗi ngày, nên môi trường ao nuôi rất sạch, mầm bệnh không có điều kiện phát triển. Ngoài nuôi tôm 2 giai đoạn, ông Xúa còn ứng dụng vào nuôi ao đất có xi phông cũng rất hiệu quả. Ông Xúa nhận xét: “Theo tôi, để hạn chế rủi ro dịch bệnh, ngoài việc ương tôm trước khi thả ra ao nuôi, thì dù ao nuôi lót bạt đáy hay lưới mành và kể cả ao đất, người nuôi nên làm hệ thống xi phông, để đáy ao luôn sạch, mầm bệnh sẽ không có điều kiện để phát triển”.
>> Ông Tăng Văn Xúa đúc kết: “Nuôi tôm 2 giai đoạn theo quy trình C.P. Việt Nam, độ mặn càng cao sẽ càng tốt và tốt nhất là ở mức 25‰. Đối với vụ nuôi nào, độ mặn xuống dưới 5‰, không nên ương mà nên thả nuôi trực tiếp sẽ tốt hơn, kết hợp bổ sung muối mỗi ngày khoảng 50 kg/1.500 m2 ao nuôi”. |