Trong bối cảnh XK cá ngừ sang Mỹ và EU ngày càng chậm lại, các nước Trung Đông đang được chọn là điểm đến mới cho các DN XK cá ngừ của Việt Nam. Trung Đông hiện đang là thị trường NK lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã XK hơn 62 triệu USD sang các nước Trung Đông, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam chủ yếu XK các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp sang thị trường này, chiếm 80% tổng giá trị XK. So với cùng kỳ năm trước, XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này đều tăng so với cùng kỳ, trừ cá ngừ tươi sống/đông lạnh/khô mã HS03 (trừ mã HS0304).
Trung Đông hiện đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà XK cá ngừ đóng hộp để mở rộng thị trường trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU lại đang chững lại. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tại khu vực này liên tục tăng trong vài năm qua. Nhu cầu cá ngừ đóng hộp tại khu vực này tăng cao là do sự tăng trưởng liên tục trong NK lương thực từ nông nghiệp của khu vực.
Trung Đông tiêu thụ trung bình khoảng 16 triệu hộp cá ngừ mỗi năm, tương đương khoảng 200 nghìn tấn. Trong số các nước Trung Đông, Ai Cập, Ảrập Xêut, Israel là 3 nước NK cá ngừ nhiều nhất trong những năm qua, chiếm tỷ trọng lần lượt là 21%, 19% và 11%.
Có 14 nước trong khối Trung Đông hiện đang NK cá ngừ của Việt Nam, trong đó Israel và Ai Cập là 2 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam
Ai Cập
Là nước NK cá ngừ lớn nhất trong khối Trung Đông, mỗi năm Ai Cập NK trung bình khoảng 130 triệu USD sản phẩm cá ngừ các loại. Trong đó, cá ngừ đóng hộp chiếm tới 99% tổng giá trị NK cá ngừ của nước này trong 10 năm qua. 100% các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tại Ai Cập là NK, nguyên nhân là do nước này không có nhà máy chế biến biến. Hầu hết các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp NK vào nước này là để tiêu thụ trong nước, chỉ có một số ít được XK sang Sudan.
Ai Cập hiện đang NK cá ngừ từ 12 nước trên thế giới. Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Italy là 6 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Ai Cập. Trong số các nguồn cung, các nước ASEAN luôn chiếm trên 91% tổng giá trị NK cá ngừ của Ai Cập.
Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 tại thị trường Ai Cập, sau Thái Lan và Indonesia. Hiện XK cá ngừ của Thái Lan và Indonesia sang Ai cập giảm, XK của Việt Nam lại tăng. Nguyên nhân là do giá cá ngừ vằn tăng khiến nước này tìm kiếm các nguồn cung có giá thấp hơn, trong đó có Việt Nam.
Israel
Israel là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 3 trong khối Trung Đông. Tại Israel, người tiêu dùng thường sử dụng cá ngừ trong các món ăn như salad, các nhà hàng sushi và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đạt yêu cầu. Với tỉ lệ người béo phì trên 20%, Bộ Y tế Israel cũng từng ra thông báo khuyến khích người dân ăn cá ngừ để bổ sung hàm lượng omega 3 và các chất béo trung hòa. Chính vì vậy, tiêu thụ cá ngừ của Israel đang ngày càng tăng.
Trong đó, nếu tính theo khu vực, các nước ASEAN đang là nguồn cung cá ngừ chính cho thị trường này, chiếm trên 59% tổng khối lượng NK của Israel. Và thị phần của ASEAN tại thị trường Israel đang ngày càng tăng.
Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Israel trong 3 năm trở lại đây, sau Thái Lan. Nếu như tại phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, các sản phẩm của Việt Nam không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Tại phân khúc thị trường cá ngừ đông lạnh của Israel, Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Israel và gần như không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, do xu hướng thị trường cá ngừ Israel đang giảm NK các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh, nên đã làm hạn chế phần nào tốc độ tăng trưởng XK dòng sản phẩm này của Việt Nam sang đây.