(TSVN) – Đợt bùng phát biến chủng mới Omicron tại Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến chuỗi dịch vụ ẩm thực, kéo theo nhiều thành phố lớn phải hạn chế các hoạt động ngoài trời và tập trung đông người.
Trung Quốc đã ghi nhận tổng số 1.226 ca nhiễm COVID-19 vào ngày 17/3/2022 – ngày thứ 5 liên tiếp có số ca nhiễm vượt 1.000 và chưa có dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới sẽ chững lại.
Quốc gia này vẫn đang nỗ lực triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, biến chủng mới Omicron lây lan nhanh hơn nhiều so các chủng virus trước đây dù tỷ lệ tử vong thấp hơn. Do đó, dịch bệnh càng khó kiểm soát hơn, theo nhà chức trách Trung Quốc.
Tại Thâm Quyến, thành phố lớn thứ 4 tại Trung Quốc, đợt bùng phát mới đây đã khiến nhiều nhà hàng phải đóng cửa. Quảng Châu, thành phố lớn thứ 3 tại Trung Quốc cũng đang đối mặt tình trạng tương tự bởi đại dịch.
“Dù các nhà hàng có mở cửa bình thường, thì người tiêu dùng vẫn lưỡng lự chi tiêu”, một doanh nghiệp nhập khẩu cá hồi tại Trung Quốc cho biết. Thâm Quyết chỉ cách Quảng Châu 150 km. Hai thành phố và nhiều vùng lân cận hình thành nên một trung tâm kinh tế cho miền Nam Trung Quốc – khu kinh tế đồng bằng sông Châu Giang.
Giá tôm trong vùng đã bắt đầu rơi tự do từ ngày 14/3. Tôm cỡ 40 con/kg giảm 10 CNY còn 20 CNY/kg (3,15 USD/kg). Tại Trạm Giang, Quảng Đông – “thủ phủ tôm” của Trung Quốc, giá tôm cỡ 80 con/kg đã giảm 16% từ 60 CNY/kg vào ngày 9/3 xuống mức 50 CNY/kg vào ngày 16/3.
Tại Trung Sơn và Giang Tô, gần Quảng Châu và Thâm Quyến hơn, giá tôm cỡ 80 con/kg đã giảm 33% từ 60 CNY/kg vào ngày 9/3 còn 40 CNY/kg vào ngày 16/3.
COVID bùng phát gây tâm lý hoảng sợ cho người dân, đồng thời cũng ảnh hưởng đến kinh doanh tôm, theo các nhà cung cấp. Hiện, nông dân đang giảm tốc độ thu hoạch vì dự đoán giá tôm sẽ tiếp tục giảm. Đại dịch đã lan nhanh 20 tỉnh thành khắp cả nước, buộc nhà chức trách Trung Quốc phải siết chặt quản lý các tuyến đường bộ giao nhau, yêu cầu chứng nhận âm tính trong vòng 24 giờ mới được di chuyển. Riêng vận chuyển đường dài càng trở nên khó khăn hơn.
Logistics bị siết chặt khiến thị trường lao dốc thê thảm hơn, trái ngược với nhiều kỳ vọng lạc quan của nông dân cách đây 1 vài tuần khi cho rằng tiêu thụ tôm sẽ tăng mạnh vào lễ Thanh Minh ngày 15/4 tới.
Một nông dân lo lắng: “Nếu không có COVID-19, giá tôm sẽ tiếp tục tăng. Nhưng sau đợt bùng phát COVID-19 lần này, nguồn cung tôm sẽ tăng và khó duy trì giá tôm ở mức cao”.
Tại hội chợ thủy sản Boston, một số doanh nghiệp nhận định, thậm chí nếu COVI-19 không bùng phát mạnh, thì nguồn cung tràn ngập cùng sự phục hồi của nhiều ngành nghề hậu COVID sẽ nhanh chóng đẩy giá tôm giảm 10% tại thị trường quốc tế trong vài tháng tới. Dự báo, giá tôm toàn cầu sẽ không giảm sâu đến mức chạm đáy trong thời gian tới nhưng tốc độ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 sẽ rất chậm chạp.
Tuấn Minh
Theo Undercurrentnews