Trung Quốc: Giảm thiểu bột cá trong thức ăn nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bột cá, nguồn protein lý tưởng nhất trong thức ăn thủy sản đang đắt đỏ và khan hiếm. Do đó, các chuyên gia tại Đại học Chiết Giang, Trung Quốc đã nghiên cứu các loại protein động vật chế biến để thay thế một phần bột cá.

Protein động vật chế biến 

Từ giữa năm 1970, ngành dinh dưỡng thủy sản đã bắt đầu các nghiên cứu chất thay thế bột cá. Trước năm 2005, các chuyên gia công bố hàng trăm báo cáo đánh giá khả năng thay thế bột cá bằng nguyên liệu protein động vật chế biến như bột gia cầm (PBM), bột thịt xương (MBM), bột lông vũ (FEM) và bột huyết (BD) trong thức ăn của tôm và cá vây. Trong giai đoạn này, giới dinh dưỡng thủy sản cũng đưa ra tỷ lệ PBM, MBM, FEM và BM thay thế bột cá trong khẩu phần của nhiều loài cá biển gồm cá hồi vân, cá chẽm, cá vược, cá cam, cá mú, cá đù đỏ, cá bơn, cá hồng… 

Thay thế bột cá là một công việc mang tính hệ thống để thiết lập lại cân bằng dinh dưỡng trong công thức thức ăn. Ảnh: ADM

Từ năm 2000, sau khi nhận hỗ trợ từ Quỹ Nghiên cứu Dinh dưỡng protein và chất béo (FPRF), Hiệp hội Chế biến Phụ phẩm Chăn nuôi Bắc Mỹ (NARA) và nguồn tài trợ địa phương, các chuyên gia tại Đại học Chiết Giang,Trung Quốc, đã phát triển công nghệ xây dựng công thức thức ăn hiệu quả để thay thế bột cá bằng PBM, MBM, FEM và BD trong chế độ ăn của các loài cá biển nuôi thương mại ở Trung Quốc. 

Trước đó, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia khác đã chứng minh tỷ lệ thay thế bột cá bằng 15% bột lông vũ vào thức ăn của cá hồi chinook và 12% bột lông vũ trong khẩu phần của cá bơn Nhật Bản, mà không giảm tăng trưởng của vật nuôi. Ngoài ra, tỷ lệ bổ sung 24% bột thịt xương và 16% bột lông vũ trong chế độ ăn 30% bột cá cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá hồi vân. Trong khi đó, cá đù đỏ ăn bột gia cầm thay bột cá cũng tăng trưởng nhanh hơn so với nhóm ăn bột thịt xương. 

Các nghiên cứu này đều chứng minh giá trị dinh dưỡng của PBM, MBM và FEM trong khẩu phần của các loại cá biển, nhưng chưa đề cập chi tiết đến hiệu quả của ba thành phần protein này. Do đó, nhóm chuyên gia Đại học Chiết Giang đã tiến hành thử nghiệm cho ăn để so sánh hiệu quả của PBM, MBM và FEM khi thay thế bột cá trong chế độ ăn của cá đù đỏ. Kết quả cho thấy, PBM mang lại hiệu quả tốt nhất, tiếp theo là MBM và FEM. Các nghiên cứu sau trên các mú Malabar cũng cho kết quả tương tự. 

Những phát hiện nói trên là cơ sở đầu tiên để các nhà sản xuất thức ăn cho cá đù và cá mú sử dụng PBM, MBM và FEM trong công thức dựa trên giá cả và nguồn cung. Hiện nay, PBM được công nhận là chất thay thế bột cá hiệu quả và sử dụng rộng rãi trong thức ăn nuôi biển toàn thế giới. MBM, FEM và BM cũng được đánh giá cao trong dinh dưỡng thủy sản nhưng mức độ sử dụng thấp hơn. 

Hỗn hợp cũng hiệu quả 

Sau khi xem xét cẩn thận các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, nhóm chuyên gia Đại học Chiết Giang cho rằng, một số chất dinh dưỡng cụ thể trong các loại protein động vật hạn chế hơn so với bột cá. Do đó, họ đã kết hợp nhiều loại protein này lại để giảm hơn nữa tỷ lệ bột cá trong thức ăn nuôi biển. Nhóm chuyên gia so sánh hiệu suất của khẩu phần thức ăn của cá đù đỏ chứa bột cá và PBM, MBM ở các tỷ lệ khác nhau. Ngoài ra, họ cũng kết hợp các loại protein thay thế theo các tỷ lệ: 60%PBM + 30%MBM + 10%BM và 60%PBM + 20%MBM + 10%FEM + 10%BM. Kết quả cho thấy, tăng trưởng của cá đù ăn hỗn hợp PBM, MBM, BM hoặc hỗn hợp PBM, MBM, FEM, BM thay thế một phần bột cá tương đương nhóm ăn chế độ bột cá thay thế bằng PBM. Thử nghiệm trên cá mú Malabar và cá vược miệng rộng cũng cho kết quả tương tự. 

Như vậy, kết hợp đúng tỷ lệ protein động vật có thể làm giảm tỷ lệ bổ sung bột cá. Các chuyên gia Trung Quốc đã sử dụng công nghệ xây dựng công thức thức ăn dựa theo các tiêu chí cân bằng axit amin và chất dinh dưỡng khác, từ đó nâng cao giá trị dinh dưỡng của protein thay thế (MBM và FEM), đồng thời giảm tổng chi phí nguyên liệu thức ăn mà không ảnh hưởng đến hiệu suất chăn nuôi. Theo các thử nghiệm xác định lượng bột cá tối thiểu trong thức ăn của một loạt cá biển gồm cá mú Malabar, cá chim, cá vược Nhật Bản, cá vược miệng rộng, nhóm chuyên gia phát hiện mức thay thế bột cá bằng hỗn hợp PBM, MBM, FEM, BM có thể tăng lên bằng cách nâng cao mức protein, nhưng mức lipid không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các loại protein động vật này. 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy mức độ thay thế bột cá bằng protein đậu nành đậm đặc trong khẩu phần ăn của cá chim cũng có thể tăng lên bằng cách tăng hàm lượng PBM trong khẩu phần cơ bản hoặc thông qua bổ sung Selen ngoại sinh. Những kết quả này cho thấy, mức độ thay thế bột cá bằng các thành phần khác phụ thuộc chặt chẽ vào thành phần của công thức chế độ ăn cơ bản và lượng vi chất dinh dưỡng sẵn có. 

Theo các chuyên gia, FEM được chiếu xạ bằng tia gamma sẽ đạt giá trị dinh dưỡng cao hơn và thay thế được nhiều bột cá hơn trong khẩu phần của cá chẽm và cá chim mà không ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, bổ sung protease cũng làm tăng tỷ lệ thay thế bột cá bằng FEM trong khẩu phần ăn của cá đù vàng. 

Tái thiết cân bằng 

Thay thế bột cá là một công việc mang tính hệ thống để thiết lập lại cân bằng dinh dưỡng trong công thức thức ăn cắt giảm bột cá và tăng thành phần thay thế. Do đó, nhóm chuyên gia Đại học Chiết Giang đề xuất sơ đồ kỹ thuật thay thế bột cá gồm các bước: (1) Sàng lọc thành phần thay thế bằng cách đánh giá tiềm năng của từng thành phần trong chế độ ăn cơ bản có tỷ lệ protein tối ưu; (2) Đánh giá tiềm năng của một số hỗn hợp nguyên liệu thay thế bột cá trong chế độ ăn cơ bản ở mức protein tối ưu; (3) Cải thiện sinh khả dụng của nguyên liệu thay thế, nhất là nguyên liệu chứa protein khó tiêu hoặc chất kháng dinh dưỡng; (4) Thiết lập cân bằng vi chất qua bổ sung phụ gia axit amin, vi khoáng và protease trong chế độ ăn ít bột cá; (5) Thiết lập cân bằng dinh dưỡng ở nhiều khía cạnh từ thành phần, protein, axit amin, vi khoáng, và vô hiệu hóa chất kháng dinh dưỡng. 

Theo sơ đồ kỹ thuật này, Trung Quốc đã phát triển thành công chất tương tự bột cá từ các loại protein động vật chế biến và phụ gia chức năng có khả năng cải thiện đáng kể sự phát triển của cá biển. Nhiều trang trại ở miền Nam Trung Quốc đang sử dụng các loại thức ăn giảm thiểu bột cá (16% với cá đù vàng; 8% với cá vược miệng rộng; 14% với cá chim vây vàng; 8% với cá chẽm Nhật Bản; 25% với cá mú Malabar và 8% với cá đù). 

>> Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc thay thế hoàn toàn bột cá trong thức ăn nuôi biển là một thách thức không thể vượt qua mặc dù họ đã nỗ lực nghiên cứu suốt 20 năm qua. Tới nay, tỷ lệ bột cá trong thức ăn nuôi biển chỉ có thể giảm xuống mức trung bình 14%. 

Vũ Đức

(Theo InternationaAquaFeed)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!