Ô nhiễm môi trường và khai thác thủy sản quá mức đang là vấn đề báo động trong ngành thủy sản Trung Quốc. Nếu không dứt khoát thực hiện đồng bộ các giải pháp tái sinh và bảo tồn nguồn lợi và ưu tiên chiến lược phát triển môi trường, các vùng biển phía Nam nước này sẽ trống rỗng hoàn toàn.
Hàng trăm tàu cá tại Châu Sơn – vựa chế biến thủy sản của Trung Quốc
Phát triển quá nóng
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc vào tháng 8/2016, khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản ở một số khu vực như biển đông Trung Quốc và biến nó thành một vùng “biển rỗng” hoàn toàn. Năm 2015, Trung Quốc tiêu thụ 35% tổng khối lượng thủy sản của toàn thế giới. Song, việc mở rộng khai thác cá tại các vùng biển nước ngoài lại không phải là một giải pháp tốt.
Thủy, hải sản – một trong những thực phẩm đắt tiền hiện nay đã trở nên phổ biến hơn tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Sự tăng trưởng thần tốc của kinh tế đã gây ra những tác động mạnh mẽ tại đây. Điển hình, giữa năm 1979 và 2013, các tàu thuyền cơ giới hóa đã tăng từ 55.225 lên 694.905; số lượng lao động tham gia ngành khai thác cũng tăng vọt từ 2,25 triệu người lên 14 triệu người. Trong khi, thu nhập bình quân của mỗi ngư dân tăng khoảng 15 USD/tháng lên gần 200 USD/tháng. Hiện, ngành khai thác thủy sản đã đem lại nguồn thu hơn 260 tỷ USD/năm, đóng góp 3% cho GDP của cả nước.
Những hệ lụy
Khi bị cuốn vào vòng xoáy tăng trưởng sản lượng khai thác và phải đạt tăng trưởng bằng mọi giá, những ngư dân Trung Quốc đã gây ra những hậu quả nặng nề lên môi trường. Hiện nay, sản lượng thủy sản nước ngọt của sông Dương Tử – nơi cung cấp hơn 60% nguồn thủy sản nước ngọt của Trung Quốc đã giảm 1/4 so năm 1954, chưa kể 170 loài thủy sản tại đây đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hoạt động khai thác thủy sản ngoài khơi cũng trong tình trạng tương tự. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận ngư dân nước này thường xuyên khai thác thủy sản vượt hạn ngạch 30% hàng năm. Đó là lý do các chợ cá của Trung Quốc luôn tràn ngập các loại cá biển chưa đạt kích cỡ chuẩn của thị trường.
Tuy nhiên, khi chưa tìm ra giải pháp khắc phục, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ riêng cho ngành khai thác thủy sản 6,5 tỷ USD trong năm 2013. Đây là căn nguyên dẫn đến thực trạng “biển rỗng” tại quốc gia này. Số tiền hỗ trợ được đầu tư giảm giá nhiên liệu xăng dầu cho ngư dân, khuyến khích họ đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở các vùng đặc quyền kinh tế của các nước lân cận. Nhiều tàu cá còn được quân đội Trung Quốc hỗ trợ mọi thứ từ đá lạnh cho tới hệ thống định vị GPS để bành chướng hoạt động tại các vùng biển hải ngoại.
Đi tìm giải pháp
Nhiều nhà cầm quyền tại Trung Quốc cũng nỗ lực đấu tranh nhằm khắc phục tình trạng “biển rỗng”. Năm 1999, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm khai thác cá theo mùa ở vùng biển phía Nam. Năm 2002 các nhà quản lý luật đã ban hành lệnh cấm tương tự tại sông Dương Tử. Nhưng các quy định kiểm soát còn lỏng lẻo và chưa mang lại hiệu quả. Năm 2013, một nhà khoa học Trung Quốc đã đề xuất chính phủ ban hành lệnh cấm triệt để mọi hoạt động khai thác cá tại sông Dương Tử. Tới tháng 8/2016, chính phủ nước này mới chú ý đến đề xuất trên và cân nhắc việc tiêu hủy hàng loạt tàu cá trái phép của ngư dân.
Những giải pháp trên có thể mang lại lợi ích cho ngành khai thác thủy sản châu Á, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Để tạo ra bước chuyển biến đột phá, Chính phủ Trung Quốc cần phải “phi quân sự hóa” các đội tàu khai thác cá và chấm dứt sự trợ cấp “tai hại” từ phía quân đội cũng như chính phủ trong việc hỗ trợ phí xăng dầu cho ngư dân; bởi sự trợ cấp này đang khuyến khích ngư dân tăng cường khai thác cá trái phép và không khai báo. Ngoài ra, việc kiểm soát các đội tàu khai thác nên giao cho cơ quan chuyên trách trong ngành hàng hải và ngành nông nghiệp thay vì chịu sự quản lý của các cơ quan ít quan tâm đến bền vững môi trường. Trung Quốc cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tái sinh và bảo tồn nguồn lợi thủy sản; ưu tiên những chiến lược phát triển môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế, gồm kế hoạch 5 năm của chính phủ.
Cuối cùng, mở rộng ưu tiên bảo vệ tài nguyên môi trường trong các thỏa thuận thương mại, gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đang đàm phán với các quốc gia châu Á khác, cùng nhiều hợp tác song phương với nhiều quốc gia đang xảy ra tranh chấp tại vùng biển phía Nam Trung Quốc. Có như vậy, tình trạng “biển rỗng” mới được khắc phục, Trung Quốc có thể trở thành thương hiệu đáng tin cậy trong ngành thủy sản bền vững.
>> Trữ lượng thủy hải sản tại các vùng biển nằm trong khu vực tranh chấp ở vùng biển phía nam Trung Quốc đã giảm 95% so mức sản lượng những năm 1950. Trung Quốc phải tìm giải pháp tạo nguồn cung thực phẩm bền vững, nếu không thì toàn bộ ngành khai thác thủy sản của các nước châu Á sẽ chung số phận như Trung Quốc hiện nay. |