Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Sóc Trăng chủ động đưa cán bộ về tận phum, sóc hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Sóc Trăng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Khmer chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh và phân lớn tập trung ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành. Đời sống còn nhiều khó khăn cho nên nhu cầu được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con là khá lớn và cần thiết. Thế nhưng trên thực tế, việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng gặp không ít trở ngại. Nguyên nhân do trình độ dân trí, hạn chế về ngôn ngữ. Mặt khác, đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn rộng, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; nhất là vùng sâu, vùng xa; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến ngư còn mỏng, năng lực chuyên môn không cao; trong khi điều kiện làm việc thiếu thốn, khó khăn và phương pháp đào tạo lại chưa cập nhật với nhu cầu sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.
Ông Dương Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Sóc Trăng cho biết: Việc chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật của khuyến nông thường chỉ dừng lại ở những mô hình trình diễn hoặc mô hình điểm và tập trung ở một số nơi có điều kiện thuận lợi cho nên chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân.
Các năm trước, các cán bộ khuyến nông lặn lội đến tận vùng nông thôn sâu mở lớp tập huấn, chỉ dẫn bà con cách chọn giống lúa mới có năng suất cao; cách bón phân, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; giới thiệu các mô hình nuôi thủy sản mới cho hiệu quả cao. Nhưng sau đó, bà con chẳng áp dụng gì. Cây trồng thì còi cọc, không phát triển; còn ruộng lúa thì sâu bệnh đầy đồng; nuôi thủy sản năng suất thấp.
“Nhận rõ hạn chế này, Trung tâm đã đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống khuyến nông viên ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Với mục đích là giúp đỡ, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật đến tận tay nông dân… Có hơn 80% cán bộ khuyến nông viên tại các xã có trình độ từ trung tấp đến đại học, số còn lại được Trung tâm tuyển chọn là những nông dân sản xuất giỏi, từng qua huấn luyện của ngành chuyên môn và đang chuẩn hóa trình độ trong thời gian tới” – Ông Dương Minh Hoàng nói.
Thậm chí, Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật có sức khỏe, năng lực, nhiệt tình và biết tiếng dân tộc xuống cơ sở cùng Trạm Khuyến nông huyện tìm cách tiếp cận, giúp đỡ bà con ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả là nhiều mô hình làm ăn mới được mở ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành); trồng cỏ nuôi bò sữa tại ấp Tam Sóc, xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú); lúa – tôm ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên); trồng lúa cao sản ở ấp Vểnh Đồng, xã Vĩnh Quái (Ngã Năm); trồng màu phủ bạt ở phường 5, thành phố Sóc Trăng…
Điển hình là HTX Sản xuất dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu. HTX có 17 thành viên, qua hơn 10 năm thăng trầm với nghề nuôi tôm nước lợ, hiện các thành viên trong HTX đều có mức sống trên trung bình và khá giàu. Trong năm 2014, HTX thu khoảng 15 tấn tôm sú và gần 95 tấn tôm thẻ chân trắng, tuy giá tôm giảm so với năm 2013, nhưng HTX cũng thu về hơn 11 tỷ đồng, trong đó bà con có lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.
Kết quả trên đã tạo ra một hướng đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/ha/năm và đang được nhân rộng trong toàn tỉnh.