Tại tỉnh Trà Vinh, nghề nuôi cá lóc đã phát triển rộng ra các huyện Duyên Hải, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, với hơn 2.100 hộ nuôi thâm canh trên 230 ha mặt nước.
Hiệu quả cao
Ông Trần Văn Tuấn (ấp Giồng Lớn B, xã Định An) nuôi cá lóc trên 3.000 m2 mặt nước cho biết, nuôi cá lóc không khó lắm, chỉ cần thạo quy trình, kỹ thuật do cán bộ khuyến ngư hướng dẫn, cộng với kinh nghiệm thực tế sẽ thành công. Đặc biệt, nuôi cá lóc trong vùng nước lợ cá ít bị bệnh so với nơi khác.
Bình quân 1.000 m2 thả nuôi 40.000 con cá giống, sau 4 – 5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 400 – 500 g/con, năng suất bình quân 140 – 150 tấn/ha. Giá thành khoảng 28.000 đồng/kg. Với giá bán 38.000 – 40.000 đồng/kg, người nuôi lãi 8.000 – 10.000 đồng/kg, lợi nhuận 1 – 1,5 tỷ đồng/ha/vụ.
Ông Trương Văn Nhà (ấp Giồng Giữa, xã Định An) chia sẻ, gia đình ông nuôi cá lóc trên 1.600 m2 mặt nước. Bình quân mỗi vụ thả nuôi khoảng 69.000 con cá giống, sau hơn 4 tháng thu 812 triệu đồng, trừ chi phí 599 triệu đồng còn lãi 213 triệu đồng. Nuôi cá lóc nặng nhất là tiền thức ăn; bình quân 1.000 m2 sau 4 tháng tốn khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty, đại lý thức ăn bán cho người nuôi ghi nợ đến khi bán cá.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, phong trào nuôi cá lóc theo hình thức thâm canh đang phát triển mạnh tại đây, đã hình thành quy trình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có khoảng 600 hộ thả nuôi trên diện tích 100 ha; tập trung ở các xã Định An, Đại An, Đôn Xuân; sản lượng khoảng 6.000 tấn cá thương phẩm/năm.
Ô nhiễm môi trường
Do sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc mang lại nên rất nhiều hộ nông dân trong tỉnh Trà Vinh đổ xô đào ao nuôi. Việc mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát không theo khuyến cáo và quy hoạch của ngành nông nghiệp đã dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nước lớn.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, toàn huyện đã có 752 hộ nuôi cá lóc, trên diện tích gần 93 ha mặt nước, với số lượng con giống hơn 33 triệu con, tăng gấp đôi so năm 2011. Hiện, tuyến kênh thủy lợi tại các vùng nuôi cá tự phát phần lớn chưa được đầu tư nạo vét, sau mỗi vụ cá các chất thải từ trong ao được xả trực tiếp ra kênh mương, làm bồi lắng rất lớn, gây ô nhiễm và thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp xung quanh. Nhiều hộ còn tự đào giếng khoan ngay bên ao để chủ động nguồn nước nuôi cá, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm tầng nước ngầm cũng như sự xâm thực nước mặn.
Bên cạnh nguy cơ ô nhiễm môi trường, người nuôi cá còn phải đối diện dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh…
Trước thực trạng trên, để đảm bảo cho nghề nuôi cá lóc phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh cần nhanh chóng có những giải pháp hỗ trợ nông dân. Trước hết, cần nỗ lực chuyển giao cho nông dân quy trình kỹ thuật nuôi cá lóc có ao chứa bùn và nước thải; giúp địa phương quy hoạch cụ thể vùng nuôi để xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nguồn nước.