Bằng hình thức sử dụng vó đèn ở lòng hồ thủy điện huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đang kêu cứu trước tình trạng người dân khai thác thủy sản theo lối “tận diệt”.
Từ trước đên nay, nhiều hộ dân sống trên lòng hồ thủy điện chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và khai thác cá. Trước đây, các hộ này sử dụng lưới cỡ lớn để đánh bắt cá to. Sau khi bắt hết cá lớn, người dân quanh vùng hồ chuyển sang sắm vó đèn đủ kích cỡ với mắt lưới dày, kết hợp với đèn điện công suất lớn để càn quét các loại cá nhỏ, kể cả những con cá bột mới vài tuần tuổi.
Rất nhiều hộ dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản
Ông Hải Hoa, một trong những hộ dân sống trên lòng hồ cho biết: “Họ dùng vó đèn để khai thác cá trên hồ thủy điện Tuyên Quang từ nhiều năm nay chủ yếu là khu vực Bản Cài, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, có 7 vó đèn đang được người dân sử dụng để đánh bắt cá với tần suất liên tục.
Thông thường, người dân thả vó bắt cá lúc trời bắt đầu nhá nhem. Sau khi lưới được thả xuống đáy hồ, người dân sẽ bật các bóng đèn công suất từ 100W trở lên để dụ cá về. Đến khoảng 4 – 3 giờ sáng ngày hôm sau, những mẻ lưới sẽ được cất lên để thu cá.
Từ ngày làm nghề đánh bắt cá tại hồ thủy điện Tuyên Quang, mỗi đêm tôi thả và cất vó 2 lần, mỗi lần được khoảng 70 kg đến 1 tạ cá các loại, bán được khoảng 1triệu đồng. Vùng này nước ngập hết, đến khoảng 80 ha cuộc sống mưu sinh không có gì nữa nên chỉ biết đi cất vó đèn” – Ông Hải Hoa cho biết.
Được biết, để đầu tư một vó đèn diện tích lớn, khoảng 500 m2, người dân phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng. Cuộc sống khó khăn, nên để có tiền đầu tư, nhiều người đành phải vay lãi hoặc mang bán, thế chấp tài sản. Bởi vậy, sau khi sắm vó lưới, không ít gia đình đã phải cật lực đánh bắt, bất chấp các qui định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tình trạng người dân dùng vó đèn đánh bắt cá diễn ra rất phổ biến.
Người dân địa phương cho biết, ban đầu khu vực hồ Bản Cài chỉ có hai vó đèn là của ông Hỏa Văn Pháp và bà Trần Thị Hoa nhưng đến nay tại khu vực eo ngách Bản Cài đã có thêm 7 hộ làm nghề đánh bắt cá với mắt lưới không đúng kích cỡ theo quy định
Mặc dù huyện Lâm Bình đã thành lập tổ công tác để kiểm tra xử lý nhưng cứ khi có lực lượng đi kiểm tra, người dân liền cất giấu hết công cụ khai thác, kể cả máy kích đánh bắt cá bằng xung điện. Sau khi lực lượng chức năng về, tối đèn lại sáng rực…
Thiết nghĩ, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên khu vực hồ, các cơ quan chức năng huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cần có biện pháp kịp thời vận động người dân tháo gỡ vó đèn và ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản theo lối tận diệt trước khi quá muộn.
Dưới đây là một số hình ảnh mà chúng tôi đã ghi nhận được:
Dùng lưới có mắt lưới dày để bắt cả những con cá nhỏ
Lưới có bán kính lớn có thể khai tác trên diện rộng
Tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt diễn ra từ lâu nhưng không hề bị ngăn chặn
Thu nhập khủng nên bất chấp pháp luật