Đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây Quảng Nam” do Trường Đại học Nha Trang chủ trì, triển khai trên tàu cá QNa-90170 của ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) đã khẳng định thành công sau hơn một năm thực hiện. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các địa phương ven biển phối hợp nhân rộng mô hình này.
Sử dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây giúp tàu cá QNa-90170 tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng trong mỗi chuyến biển.Ảnh: Q.V
Nhiều tiện lợi
Gặp lại chúng tôi sau hơn một năm ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây, ngư dân Võ Công Thảo vui mừng cho biết, đã tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng sau mỗi chuyến biển xa bờ. “Trước khi ứng dụng mô hình, chúng tôi dùng điện từ động cơ máy nổ trên tàu cá. Chỉ với các sinh hoạt bình thường, mỗi đêm chúng tôi cần 30 lít dầu phục vụ máy nổ. Tính ra, mỗi đêm tốn 420 nghìn đồng. Nhờ ứng dụng điện mặt trời, chúng tôi giảm chi phí được hơn 6 triệu đồng sau chừng 15 ngày thực hiện chuyến khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Ngoài ra, điện mặt trời giúp chúng tôi dẫn dụ, gom đàn cá tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất” – ông Thảo nói.
Trước đó, vào ngày 6.7.2016, Hội đồng Nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh đã tổ chức họp, đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây Quảng Nam” do TS.Nguyễn Đức Sĩ – Trưởng bộ môn Hàng hải Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm đề tài. Ngay sau đó, hệ thống điện mặt trời gồm 6 tấm pin bố trí trên khung inox theo hàng ngang được lắp đặt, đưa vào vận hành trên tàu cá QNa-90170 của ngư dân Võ Công Thảo. Điện mặt trời từ các tấm pin nạp đầy vào 2 bình ắc quy, cung cấp cho hoạt động của các bóng đèn led đặt ở buồng máy, buồng sinh hoạt, hệ thống máy hàng hải, đèn hàng hải và cung cấp điện cho bè đèn gom cá của tàu lưới vây.
Hiện tại, hầu hết nguồn điện trên các tàu cá của ngư dân Quảng Nam đều được cung cấp từ động cơ máy nổ. Khi động cơ tàu cá gặp sự cố, ngư dân sẽ không có điện dùng cho các thiết bị để liên lạc với đất liền, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất thường. Do vậy, khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, ngư dân sẽ có nguồn điện ổn định để duy trì các thiết bị liên lạc và yên tâm hơn khi đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày. Ưu điểm của hệ thống năng lượng mặt trời giúp ngư dân tiết kiệm dầu chạy máy phát điện trên tàu cá; giảm rủi ro, tai nạn nghề nghiệp; không có tiếng ồn, giảm khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hệ thống này có thiết kế rất gọn nhẹ, vững chắc nên các thiết bị pin năng lượng mặt trời có thể tồn tại bền vững với môi trường bão, gió khắc nghiệt.
Nhân rộng mô hình
Đến thời điểm này, ông Võ Công Thảo vẫn là ngư dân duy nhất tại Quảng Nam sử dụng điện mặt trời trên tàu cá. Trong khi đó, dù chưa ứng dụng mô hình, nhiều chủ tàu như Nguyễn Thanh Tiến, Nguyễn Thanh Vương (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), Phạm Xuân Lệ, Phạm Xuân Anh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) sau khi tham quan tàu cá ông Thảo, thấy được tiện lợi của đèn led nên đã dùng thay thế cho đèn cao áp trên tàu lưới vây. Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, rất cần nhân rộng mô hình này cho các tàu lưới vây trên địa bàn. Vì ít nhất ngư dân sẽ giảm chi phí được khoảng 6 triệu đồng cho mỗi chuyến biển xa bờ. Thứ nữa, hoạt động của đèn led rất ưu việt, vừa giảm chi phí vận hành lại rất hiếm khi phải thay bóng đèn bị cháy. Về câu hỏi, tại sao ưu điểm nhưng ngư dân lại chưa dám lắp đặt trên tàu cá, ông Sơn cho rằng, có lẽ vì chi phí quá lớn, hơn 50 triệu đồng cho cả hệ thống gồm nhiều tấm pin, bình ắc quy, hệ thống dẫn điện, bóng đèn led.
Chúng tôi đặt vấn đề có thể nhân rộng sử dụng điện mặt trời cho các nghề cá khác có sử dụng bóng đèn lấy ánh sáng như chụp mực chẳng hạn, ông Sơn cho rằng rất khó, phải nghiên cứu kỹ mới xác định được nên hay không nên. “Nếu nhân rộng mô hình cho nghề lưới vây đã là thành công quá rồi. Chúng tôi phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh để phổ biến, vận động ngư dân lắp đặt mô hình này. Các xã ven biển sẽ tổ chức cho ngư dân đến tham quan, trực tiếp tìm hiểu mô hình trên tàu của ông Thảo rồi họ tự quyết định có huy động vốn để triển khai trên tàu của mình không” – ông Sơn nói.
Theo ông Trần Quang Kiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, qua hơn một năm triển khai mô hình điện mặt trời chiếu sáng bằng đèn led trên tàu lưới vây đã chứng minh các tính năng ưu việt của hệ thống. Việc lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống điện mặt trời tương đối dễ dàng nên hầu hết ngư dân có thể tiếp cận, triển khai. “Chúng tôi đề xuất Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bằng các nguồn vốn từ nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh cũng như tiếp cận nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nên triển khai các lớp tập huấn ứng dụng điện mặttrời trên tàu lưới vây để ngư dân ở 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh được tiếp thu, học tập, sử dụng” – ông Kiến nói.
>> Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc triển khai ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây trong hơn một năm qua khẳng định sử dụng ánh sáng của đèn led tập trung cá hiệu quả cao hơn ánh sáng của đèn cao áp mà hầu hết ngư dân đang dùng hiện nay. Việc thử nghiệm, sử dụng bè đèn led đã cho thấy hiệu suất phát sáng cao, thu hút đàn cá, giữ đàn cá tập trung quanh bè, thuận tiện cho gom cá. Ngoài ra, hệ thống này rất đảm bảo an toàn về điện cho người sử dụng nguồn sáng trên bè đèn led. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2674/QĐ-UBND giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương ven biển phối hợp nhân rộng mô hình sử dụng điện mặt trời trên tàu cá. Đây sẽ là “cú hích” nâng cao hiệu quả khai thác hải sản bằng nghề lưới vây – ngành sản xuất chủ lực của nghề cá Quảng Nam – trong thời gian đến. |