(TSVN) – Đó là chủ đề của Diễn đàn tôm Việt 2022 do Tổng cục thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu (BSA), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFISH) và OXFAM tại Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay (15/7) tại tỉnh Bạc Liêu. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản Trần Đình Luân, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cùng đông đảo doanh nghiệp, người nuôi tôm.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các giải pháp công nghệ mới để giải quyết những vấn đề bất cập cho ngành tôm hiện nay, đặc biệt là vấn đề cắt giảm chi phí để giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất thúc đẩy ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững. Để đạt được mục tiêu diễn đàn đề ra, Thứ trưởng đề nghị các địa biểu tham dự tập trung làm rõ 3 vấn đề trọng tâm là: hạ tầng vùng nuôi, an ninh sinh học và phương thức nuôi.
Diễn đàn Tôm Việt được tổ chức sáng nay (15/7) tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: PTC
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cũng bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn, các đại biểu, đơn vị, doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp tháo gỡ những bất cập của ngành tôm nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, kinh nghiệm để phát triển ngành tôm theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Một trong những vấn đề nóng trong nuôi tôm hiện nay chính là tình hình dịch bệnh EMS, bệnh phân trắng và EHP đã được TS. Trần Hữu Lộc, Giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh làm rõ về nguồn gốc, cơ chế lây lan, các biện pháp phòng chống… cho từng mô hình nuôi tôm cụ thể. Theo TS. Lộc, để phòng tốt các bệnh trên, điều cần thiết là người nuôi tôm nên chọn con giống sạch bệnh, cải tạo ao nuôi thật kỹ, sử dụng vi sinh ức chế các loại vi sinh vật có hại, hạn chế tôm bị stress… ngay từ giai đoạn đầu nuôi tôm, nhất là trong mùa mưa như hiện nay.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu, khẳng định sẽ không có một quy trình chuẩn nào cho nuôi tôm mà tùy theo điều kiện, khả năng, người nuôi chọn cho mình một mô hình nuôi cùng giải pháp khoa học công nghệ phù hợp. Ngoài ra, trong bối cảnh nuôi tôm ngày một khó khăn hơn, người nuôi tôm cần liên kết, tập hợp lại với nhau để có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, tạo tiếng nói, sức mạnh trong quá trình đàm phán giá cả vật tư đầu vào cũng như giá tôm tiêu thụ. Người nuôi tôm các tỉnh cũng cần thường xuyên liên hệ, chia sẻ cho nhau tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường… để giúp hạn chế rủi ro tăng tính hiệu quả trong nuôi tôm.
Đồng tình với ý kiến ông Nhiệm, TS. Trần Đình Luân gợi ý thêm rằng, người nuôi cần tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để lập nhóm chia sẻ lẫn nhau các vấn đề liên quan của nghề nuôi. Tùy điều kiện, khả năng mà quyết định chọn lực quy mô, hình thức đầu tư thế nào cho hợp lý, trên cơ sở phải am hiểu về môi trường, thị trường, khoa học công nghệ, khả năng quản lý… Ngoài ra, người nuôi cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi để giảm chi phí trung gian và thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đánh giá về diễn đàn, TS. Luân cho biết, đây là một diễn đàn mở, là một kênh thông tin để người nuôi, doanh nghiệp chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, giúp nhau cùng thành công. Đối với các doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật cần làm rõ hơn các điều kiện cần và đủ để người nuôi có thể áp dụng quy trình, mô hình nuôi thành công chứ không nên giới thiệu một cách chung chung.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp giới thiệu rất nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới phục vụ nghề nuôi tôm, như: công nghệ nuôi tôm tuần hoàn 100% nước thải và chất thải của Tập đoàn HaiCorp, ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám sát môi trường nuôi tôm của công ty Tép Bạc, giải pháp thay thế kháng sinh bằng tăng cường miễn dịch cho tôm nuôi của TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc kỹ thuật châu Á của tập đoàn Olmix, quản lý trại tôm bằng công nghệ thông minh của công ty Jala, Indonesia, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ sinh học trong nuôi tôm sạch theo công nghệ Trúc Anh của công ty Trúc Anh…
XT