T2, 06/07/2020 11:51

Vaccine cho cá tra: Một hướng tiếp cận mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam đang chủ yếu đi theo hướng chữa bệnh hơn là phòng bệnh, đó là nhận xét của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Hàm lượng kháng sinh tồn dư còn phổ biến do việc sử dụng kháng sinh ồ ạt trong chữa bệnh cho cá, tôm. Các nước tiên tiến đang nỗ lực đi theo hướng phòng bệnh, giảm sử dụng kháng sinh, trong đó việc sản xuất và sử dụng vaccine trong thủy sản rất phổ biến.

Sự khác biệt

Tại hội thảo khoa học trong khuôn khổ Hội chợ VIETFISH 2015, ông Morten Mordstad, Tổng Giám đốc toàn cầu của Công ty PHARMAQ đã có một phép so sánh khá sinh động rằng trong vòng 20 năm, lượng kháng sinh dùng trong nuôi cá ở Na Uy giảm đến gần như còn 0, thì ở Việt Nam xu hướng dùng kháng sinh để phòng chữa bệnh trong ngành thủy sản ngày càng tăng.

Sử dụng vaccine trong ngành thủy sản không là một vấn đề mới ở Na Uy, cách đây 25 năm, vấn đề phòng bệnh bằng vaccine bắt đầu được quan tâm đến. Thời kỳ đầu, lượng kháng sinh được sử dụng giảm xuống khoảng 50%; lý do là vaccine chỉ chữa được 1 loại bệnh cho cá. “Nhờ nỗ lực mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, PHARMAQ đã sản xuất được vaccine “6 trong 1″, chỉ cần tiêm một loại vaccine nhưng có thể giúp phòng tránh 6 loại bệnh; trong đó có 4 bệnh do vi khuẩn và 2 bệnh do virus gây ra. Bước ngoặt về khoa học này đã giúp ngành cá Na Uy hầu như không còn sử dụng kháng sinh trong nuôi cá nữa” – ông Morten Mordstad nói.

Công ty PHARMAQ với 200 nhân viên, chủ yếu là các nhà khoa học uy tín và những người nghiên cứu trẻ tuổi hiện đã sản xuất thành công vaccine cho hầu hết các loài cá nuôi có sản lượng lớn và sử dụng chống các loại bệnh phổ biến trên cá.  

Tiêm vaccine cho cá tra tại Công ty PHARMAQ

 

Việt Nam cần chủ động hơn

Ông Andreas von Scholten, Tổng Giám đốc PHARMAQ châu Á nói: “Chúng tôi quyết định sẽ phát triển nghiên cứu của mình ở châu Á vì đây là khu vực có sản lượng cá nuôi rất lớn. Chúng tôi quyết định chọn Việt Nam vì sản lượng cá tra tại đây rất lớn và chúng tôi cần có nhiều mẫu bệnh phẩm tại đây để nghiên cứu”. Ông Andreas von Scholten chia sẻ thêm: “Nhìn chung châu Á vẫn đang nuôi cá bằng công nghệ khá lạc hậu, quy mô nhỏ hộ gia đình, đặc biệt dịch bệnh thường xuyên xảy ra, do đó việc sử dụng kháng sinh rất phổ biến, đây chính là điều khác biệt so với việc nuôi cá tại châu Âu”. Sản phẩm ALPHA JECT Panga 1 là vaccine đầu tiên cho cá tra tại Việt Nam và châu Á mà công ty này sản xuất được (Công ty hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008). Tháng 10/2011, Cục Thú y đã cho phép Công ty khảo nghiệm trên diện rộng và đến tháng 3/2013 sản phẩm đã được phép lưu hành. Vaccine ALPHA JECT Panga 1 của Công ty đã góp phần giảm tỷ lệ các chết và giảm lượng kháng sinh trong điều trị. Tại Việt Nam, Công ty có 13 thành viên chính thức và 40 nhân viên chích vaccine tại ĐBSCL.

 

Một hướng đi mới

 Phát triển vaccine trong chăn nuôi khá phổ biến ở các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam còn khá mới, nhất là trong lĩnh vực thủy sản. Ngành sản xuất vaccine còn quá non trẻ. Công ty PHARMAQ cũng thừa nhận họ mới sản xuất được loại vaccine đầu tiên ALPHA JECT Panga 1 và cũng chỉ phòng được một loại bệnh trên cá tra. “Chúng tôi đang nỗ lực sản xuất loại vaccine mới để phòng được nhiều loại bệnh trên cá tra để người dân không còn phải sử dụng kháng sinh nữa. Điều này giúp cho thương hiệu cá tra Việt Nam sẽ được nâng lên nhiều” – Ông Morten Mordstad, Tổng Giám đốc toàn cầu của Công ty PHARMAQ nói. 

So sánh tỷ lệ cá được tiêm vaccine thì tỷ lệ chết bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsilla iculuri gây ra chỉ 0 – 4,7%, trong khi các ao không tiêm vaccine tỷ lệ cá chết 3,8 – 23%. Ngoài ra, người nuôi còn giảm được chi phí thức ăn, chi phí sử dụng kháng sinh, cá tiêm vaccine lớn nhanh và đều, rút ngắn thời gian nuôi do không gián đoạn để điều trị bệnh cho cá.

Đây là một hướng đi rất đáng được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm và cùng phối kết hợp với các nhà khoa học quốc tế phát triển các loại vaccine cho cá tra và cho các sản phẩm thủy sản khác.

>> Vaccine ALPHA JECT Panga 1 phòng bệnh đốm trắng trên gan, thận, lách do vi khuẩn Edwardsiella ictuluri gây ra. Đây là các loại bệnh phổ biến nhất trên cá tra và đôi khi gây ra tỷ lệ chết tới 50%. Đáng ngại là vi khuẩn này có dấu hiệu kháng với nhiều loại kháng sinh nên hiệu quả điều trị kém.

Trần Nguyễn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!