Thời gian gần đây trên vùng biển thuộc huyện Tuy Phong, đảo Phú Quý, La Gi xuất hiện nhiều trường hợp đánh bắt hải sản trên biển bằng xung điện hoặc bằng chất nổ đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và hủy diệt môi trường biển.
Bộ đội biên phòng kiểm tra các tàu đánh cá ở Phú Quý.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, ngành chức năng và ngư dân tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên vùng biển của tỉnh; nhất là các địa bàn trọng điểm như: Tuy Phong, Phú Quý. Các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng các tàu cá sử dụng công cụ kích điện và chất nổ để khai thác thủy sản trên biển. Trong năm 2017, Chi cục Thủy sản phối hợp với các đồn biên phòng ven biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, tập trung lực lượng bám sát địa bàn, điều chuyển phương tiện linh hoạt, gắn với việc huy động tàu cá của ngư dân tham gia giám sát, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về các trường hợp vi phạm. Chi cục Thủy sản còn tổ chức 29 lớp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, nhất là quán triệt quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng chất nổ, công cụ xung điện… Nhờ vậy, trong những tháng cuối năm 2017 tình hình khai thác thủy sản bằng xung điện có chiều hướng chựng lại. Các địa phương trong tỉnh đã phát hiện và xử lý 24 vụ sử dụng, tàng trữ công cụ kích điện và 2 vụ tàu cá tàng trữ chất nổ trái phép (gồm một tàu của tỉnh Ninh Thuận tàng trữ 2 kg chất nổ và 31 kíp nổ cùng với 3m dây cháy chậm; một vụ tàu cá của tỉnh Bình Thuận tàng trữ 3 chai nhựa chứa chất nổ, 15 kíp nổ trên tàu và 44 kg chất nổ tại nhà riêng). Hồ sơ các vụ đã được chuyển cho cơ quan công an điều tra làm rõ.
Để ngăn chặn và giảm thiểu các trường hợp khai thác hải sản bằng xung điện, chất nổ, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh, nhất là Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh và các địa phương đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong cộng đồng ngư dân. Đồng thời, phát động ngư dân thường xuyên giám sát và kịp thời cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm cho chính quyền và cơ quan chức năng biết để ngăn chặn, xử lý. Các ngành, địa phương phối hợp rà soát, đánh giá tình hình xác định đối tượng có hành vi sử dụng vật liệu nổ, công cụ kích điện, chất độc để khai thác thủy sản, làm cơ sở để tiến hành các biện pháp ngăn chặn; áp dụng linh hoạt các biện pháp, phương pháp tuần tra, kiểm soát trên biển; bố trí lực lượng phương tiện phù hợp với từng thời điểm, tập trung những vùng biển thường xảy ra vi phạm như: Hòn Cau, La Gàn, Mũi Né, Phú Quý… Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và áp dụng mức phạt tối đa khung hình phạt để răn đe các trường hợp khác có hành vi hủy diệt môi trường biển bằng chất nổ, xung điện…