Vẫn rộng cửa xuất khẩu tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù đang còn nhiều khó khăn, với cả sản xuất trong nước và thị trường xuất khẩu, nhưng con tôm Việt Nam vẫn được nhận định còn nhiều lợi thế cạnh tranh.

Đóng góp lớn

Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới sau Trung Quốc và Indonesia với 600.000 – 650.000 tấn/năm; Dẫn đầu về sản xuất tôm sú với sản lượng 300.000 tấn.

Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới. Việc cho phép đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trên quy mô công nghiệp đã tạo cú hích cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Góp phần đưa tôm trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đồng thời, đây cũng là mặt hàng có tỷ trọng tăng trưởng xuất khẩu ổn định nhất.

10 năm qua, xuất khẩu tôm luôn duy trì mức tăng trưởng dương trong khi các mặt hàng khác đều có sự trồi sụt nhất định. Năm 2005, xuất khẩu tôm của Việt Nam mới chỉ đạt 1,37 tỷ USD, sang năm 2014 lập kỷ lục với 3,95 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu tôm năm 2015 giảm mạnh nhất trong 10 năm qua, giảm 25,3% so năm 2014, đạt 2,95 tỷ USD. Nguyên nhân chính yếu là do giá trên thị trường thế giới sụt giảm (15 – 20%).

vẫn rộng cửa xuất khẩu tôm

Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới – Ảnh: An Đăng

 

Tôm thẻ “lấn sân”

Năm 2015, Việt Nam thu về gần 3 tỷ USD từ xuất khẩu tôm. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 58%, vượt qua các sản phẩm tôm sú truyền thống. Trong khi năm 2010, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng mới chỉ đạt 400 triệu USD, còn tôm sú đạt 1,4 tỷ USD, gấp 3,5 lần. Với ưu điểm vượt trội về giá do sản lượng cao và thời gian nuôi ngắn khiến tôm thẻ chân trắng đang dần chiếm lĩnh thị phần tôm sú trên thế giới.

Cùng với đó, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi do tác động của giá khiến nhu cầu nhập khẩu tôm sú giảm tại nhiều nước. Tôm sú trước được tiêu thụ “đại trà” tại nhiều nước thì nay có xu hướng được tiêu thụ chủ yếu trong phân khúc cao cấp như nhà hàng, khách sạn hoặc chỉ được tiêu thụ trong các dịp lễ.

 

Vượt trở ngại

Áp lực hạ giá thành sản xuất và giá xuất khẩu: Giá tôm trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm trong khi giá tôm xuất khẩu của Việt Nam lại tăng. Năm 2015, tôm Việt Nam có giá bán cao nhất trong nhóm 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 là 10,8 USD/kg, tôm Ấn Độ: 8,3 USD/kg, tôm Ecuador: 6,7 USD/kg, tôm Indonesia: 9,5 USD/kg.

Cải thiện chất lượng và giải quyết vấn đề nhiễm kháng sinh: Môi trường ở ĐBSCL hiện nay quá ô nhiễm khiến người nuôi tôm buộc phải tăng lượng kháng sinh và thuốc thú y để giảm bớt thiệt hại. Tình trạng tôm nhiễm kháng sinh và chất cấm có chiều hướng gia tăng. Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu là thách thức không nhỏ đối với hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, bởi tôm nguyên liệu được thu mua từ nhiều hộ nuôi khác nhau. Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam có khoảng 700.000 hộ nuôi tôm, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ. Sử dụng kháng sinh “khá thoải mái” của người dân trong nuôi tôm đã và đang ảnh hưởng lớn tới chất lượng tôm nguyên liệu, khiến các doanh nghiệp chế biến tôm mất nhiều chi phí kiểm nghiệm, làm gia tăng giá thành sản xuất.

Đảm bảo nguồn nguyên liệu: 5 năm qua (2010 – 2014), nhập khẩu tôm vào Việt Nam tăng nhanh, từ 50 triệu USD năm 2010 tới trên 468 triệu USD (thống kê của ITC). Năm 2015, Việt Nam là nước nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của tôm Ấn Độ chỉ sau Mỹ (thống kê của ITC). Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tôm của Việt Nam qua các năm từ 50 – 190%. Ấn Độ là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Việt Nam.

>> Tôm Việt Nam đang có nhiều lợi thế; Ưu đãi về thuế từ các FTAs song phương và đa phương; Chất lượng tôm ngày càng được khẳng định nhờ các chứng nhận quốc tế; Có tiềm lực về sản xuất hàng chế biến và giá trị gia tăng… Việt Nam có thể kỳ vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm.

Diên Vỹ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!