Ngày 14/5/2018, VASEP đã gửi Công văn số 77/2018/CV-VASEP (CV77) góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi TT 230/2016/TT-BTC về mức phí SC, CC. Trong đó, VASEP đề nghị về công thức tính mức thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản là: 150.000 đ + (số lượng tấn x 15.000 đồng/tấn) tối đa không quá 700.000 đ/lần.
Trước đó, ngày 10/5/2018, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 5408/BTC-CST đề nghị về việc tham gia ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư thu phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có kiến nghị nội dung sửa đổi Thông tư số 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản.
Trước đó, ngày 27/4/2018, VASEP cũng đã gửi Công văn số 68/2018/CV-VASEP tới Bộ Tài chính và Bộ NN& PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét thúc đẩy nhanh quá trình thẩm định lại và ban hành Thông tư sửa Thông tư 230/2016/TT-BTC về phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản 700.000 đồng/lần ngay trong tháng 5/2018 này.
Sau đó, Bộ NN&PTNT cũng gửi công văn tới Bộ Tài chính đề xuất thay đổi cách tiếp cận mức phí thẩm định xác nhận hải sản khai thác từ cố định “700.000 đ/lần” sang dạng công thức biến đổi “150.000 đ + (số tấn x 20.000 đ/tấn) tối đa không quá 700.000 đ/lần” và phí thẩm định chứng nhận sản phẩm thủy sản XK là “50.000 đ/lần”.
Trên cơ sở đề xuất mới của Bộ NN&PTNT và theo đề nghị góp ý của Bộ Tài chính, VASEP và các DN hội viên đồng ý với nguyên tắc thiết lập phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản theo công thức biến đổi và có khống chế mức trần. Nguyên tắc tính phí này có tính hài hòa với thực tiễn công việc theo yêu cầu mà Cảng cá thực hiện, và cũng phù hợp với các DN thu mua loài có khối lượng lớn hơn (cá ngừ …) không phải chi trả quá nhiều phí cho một lần xác nhận, vừa phù hợp với điều kiện của rất nhiều DN thu mua và sản xuất các loài có số lượng nhỏ lẻ (như tôm biển, mực, cua, ghẹ, cá biển…) để không phải chi trả quá lớn cho xác nhận nguyên liệu (nhiều lần) tính cho một container hàng XK.
Về công thức tính mức thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, Hiệp hội cùng các DN hội viên đề nghị công thức: 150.000 đ + (số lượng tấn x 15.000 đồng/tấn) tối đa không quá 700.000 đ/lần với các lý do sau:
Một là, theo Quyết định của hầu hết UBND các tỉnh có cảng cá hiện nay quy định về mức thu phí dịch vụ cảng cá (thực hiện Nghị định 80/2012 và Luật Phí lệ phí 2015), mức phí dịch vụ hàng hóa qua cảng cá áp dụng cho thủy sản đều đang đa số ở mức 15.000 đ – 20.000 đ/tấn (ví dụ: Quyết định 39A/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa…). Các DN hiểu rằng, Bộ NN&PTNT đã cân nhắc tối đa hài hòa các bên và dựa vào các cơ sở tính toán có liên quan, bao gồm cả con số “20.000 đ/tấn” trong Dự thảo (mức tối đa theo các Quyết định của các tỉnh).
Tuy nhiên, xét trên góc độ “thu đủ bù chi” của Luật Phí 2015 cũng như khối lượng công việc mà các cảng cá đang thực hiện theo ND80/2012, không bổ sung thêm nhân lực để thực hiện việc giám sát (kết hợp) theo yêu cầu của TT 02/2018/TT-BNNPTNT (có thủ tục: thẩm định xác nhận nguyên liệu thủy sản); xét trong bối cảnh “giảm phí cho DN”, quan điểm chia sẻ chi phí với Chi cục/BQL Cảng cá của Hiệp hội và ý kiến góp ý của các DN, chúng tôi kính đề nghị Quý Bộ xem xét mức phù hợp và có cơ sở hơn là “15.000 đ/tấn” thay vì mức “20.000 đ/tấn” như trong Dự thảo.
Hai là, về mức phí thẩm định chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu: đề nghị bổ sung thêm quy định “Không thu phí cho cấp lại giấy Chứng nhận” vì khi DN cần cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu (do bị thất lạc, sai thông tin với các thông tin của hãng tàu vận chuyển, khách hàng đề nghị đổi cảng đến hoặc lùi ngày xuất khẩu…), các Chi cục thủy sản chỉ cần đối chiếu lại hồ sơ lưu là có thể cấp ngay giấy chứng nhận, không tốn nhiều nhân lực và phù hợp với hiện trạng hiện nay.