Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, cơ chế tín dụng vẫn còn trục trặc. Vì thế rất cần “tiếng nói chung” giữa ngư dân và ngân hàng thương mại để triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Xuân chuẩn bị để đi biển dịch vụ hậu cần nghề cá.Ảnh: Q.VIỆT
Gặp khó
Gặp chúng tôi tại cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) khi đang nạp nhiên liệu, thu mua đá cây để đi biển dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân Võ Văn Xuân (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) than ngắn thở dài. Ông Xuân kể, cách đây hơn một năm, ông đến Agribank chi nhánh huyện Núi Thành để vay vốn ưu đãi theo Nghị định 89 nhằm nâng cấp tàu cá QNa-90497 bằng cách thay máy 180CV lên 400CV. Cán bộ tín dụng của ngân hàng này hướng dẫn nhiệt tình, giúp ông nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và được ký kết hợp đồng vay vốn 1,1 tỷ đồng. Ngay sau đó, ông Xuân đã đưa tàu cá đi thay máy và sửa chữa vỏ tàu, trang bị thêm một số máy móc hàng hải. Mọi việc đang thuận lợi thì bỗng dừng lại đột ngột khi cán bộ phụ trách đăng kiểm của Chi cục Thủy sản Quảng Nam đến kiểm tra. “Tôi được phổ biến rằng nâng cấp tàu cá theo Nghị định 89 thì có thể sử dụng máy cũ chứ không nhất thiết phải dùng máy mới như đóng mới tàu cá. Vậy nhưng cán bộ ngành thủy sản bảo, máy tôi đang lắp đặt không đủ tiêu chuẩn, phải thay máy mới thì mới được cấp các thủ tục cần thiết để đi biển. Quá bất ngờ, tôi hỏi cán bộ ngân hàng rằng có thể bỏ hợp đồng đã ký thay bằng hợp đồng mới để tăng thêm số tiền vay không thì được bảo là có thể” – ông Xuân nói.
Sau khi thay máy mới cho tàu cá nâng cấp, ông Xuân đã được ngành chức năng hoàn thành các thủ tục đăng kiểm để đi biển. Vậy nhưng, do phải sử dụng máy thủy mới, số tiền để hoàn thiện con tàu nâng cấp đã tăng lên đến 2 tỷ đồng. Ông Xuân cần ngân hàng ký hợp đồng mới và giải ngân 1,6 tỷ đồng nhưng không được như mong đợi. “Từ cuối năm 2016 đến nay, tôi chỉ được ngân hàng giải ngân 70 triệu đồng trong khi đó họ hứa sẽ cho tôi vay 1,6 tỷ đồng để trang trải chi phí nâng cấp tàu cá. Không được giải ngân như thỏa thuận mà con tàu đã nâng cấp xong nên tôi phải đi vay nóng 1,6 tỷ đồng để thanh toán. Mỗi ngày tôi phải trả gần 3 triệu đồng tiền lãi. Chừ tôi như ngồi trên lửa vì không biết sẽ có đủ tiền trả vốn và lãi vay nóng không” – ông Xuân than thở.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) cũng đứng ngồi không yên vì đang đóng tàu vỏ thép ở TP.Hồ Chí Minh mà chưa được ngân hàng ký hợp đồng để giải ngân vốn vay. Theo ông Tiến, ông được Agribank chi nhánh huyện Núi Thành hứa hẹn cho vay 17,1 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép có giá trị 18 tỷ đồng. Tin tưởng, ông Tiến đã liên hệ đóng tàu mà chưa được ký kết hợp đồng vay vốn. Ông Tiến lo lắng vì bản thân không thể tự huy động đủ 18 tỷ đồng để hoàn thiện con tàu. Nếu ngân hàng không ký hợp đồng, không giải ngân vốn vay thì giấc mơ sở hữu tàu vỏ thép sẽ dang dở.
Sẽ tháo gỡ
Theo ông Phạm Hồng Khánh – Trưởng phòng Tín dụng (Agribank chi nhánh huyện Núi Thành), hồ sơ vay vốn để nâng cấp tàu cá của ngư dân Võ Văn Xuân đang gặp ách tắc. Nguyên nhân là ông Xuân chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình vay vốn. “Đúng là trước đây, chúng tôi đã ký hợp đồng vay vốn để ngư dân Võ Văn Xuân nâng cấp tàu cá. Tuy nhiên, sau khi phải sử dụng máy thủy mới thay vì máy thủy cũ thì giá trị của con tàu đã tăng lên đáng kể. Bởi vậy, ông Xuân cần phải hoàn thiện một số thủ tục mới qua các cấp xã, huyện, trình lên Sở NN&PTNT tham mưu Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 89 quyết định đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá thì chúng tôi mới có điều kiện cần để xem xét ký hợp đồng” – ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Văn Hóa – Phó Trưởng phòng Khách hàng cá nhân (Agribank chi nhánh Quảng Nam) cho biết, hồ sơ vay vốn của ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến gặp trở ngại là do yếu tố khách quan. Cụ thể, ông Tiến đã gửi hồ sơ vay vốn quá trễ, ngân hàng không thể thẩm định trong thời gian ngắn, trong khi lúc đó Nghị định 89 tạm dừng triển khai vào ngày 31.12.2016. “Lúc đó chúng tôi trả hồ sơ vay vốn của ông Tiến về lại Agribank chi nhánh huyện Núi Thành để xem xét lại, chờ Chính phủ quyết định có tiếp tục triển khai Nghị định 89 hay không. Nếu Chính phủ thông qua thì Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn rồi mới thẩm định được” – ông Hóa nói.
Ông Phạm Đình Dũng – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết thêm, sau khi Chính phủ quyết định tiếp tục triển khai Nghị định 89 trong năm 2017, Agribank chi nhánh Quảng Nam đã yêu cầu Agribank chi nhánh huyện Núi Thành xem xét lại hồ sơ vay vốn của ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến, trình cấp trên phê duyệt. “Giá cả biến động, thời điểm trước năm 2016 khi ngư dân vay vốn thì giá trị con tàu sẽ thấp hơn thời điểm này nên chúng tôi yêu cầu Agribank chi nhánh huyện Núi Thành thẩm định lại giá trị con tàu cho phù hợp rồi mới có thể ký hợp đồng vay vốn. Chúng tôi đang nhắc nhở Agribank chi nhánh huyện Núi Thành thẩm định nhanh, nếu hồ sơ đảm bảo thì mới có thể ký hợp đồng trong thời gian đến” – ông Dũng nói.
Việc triển khai cơ chế vay vốn ưu đãi theo Nghị định 89 đến thời điểm này vẫn còn bất cập. Theo ngành chức năng, nguyên nhân là việc thương thảo, thỏa thuận ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu giữa chủ dự án và ngân hàng thương mại chưa được thống nhất. Do “không gặp nhau” ở cách tính toán giá trị con tàu cũng như phương án vay vốn nên các dự án đóng tàu từ nguồn vốn vay ưu đãi vẫn chưa được thông suốt. Với chính sách nâng cấp tàu cá, các văn bản hướng dẫn của trung ương còn chưa rõ ràng về cỡ tàu, loại tàu, tuổi tàu. Các ngân hàng thương mại còn e dè khi quyết định ký hợp đồng cho vay vốn nâng cấp tàu cá vì sợ rủi ro. “Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 89 của tỉnh sẽ họp trong thời gian đến để đánh giá kỹ các mặt được, chưa được, bàn và thông qua các giải pháp để triển khai cơ chế vay vốn ưu đãi thông suốt trong thời gian đến” – ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
>> Giải ngân 630 tỷ đồng vốn vay ưu đãi Triển khai Nghị định 89, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá, 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá (83 tàu khai thác, 9 tàu dịch vụ hậu cần; 60 tàu vỏ thép, 2 tàu composite, 30 tàu vỏ gỗ). Các ngân hàng thương mại đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 61 tàu cá (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 35 tàu vỏ thép, đạt 66,3% ), nâng cấp 2 tàu cá với tổng giá trị cam kết cho vay là 698,5 tỷ đồng, đã giải ngân được 630 tỷ đồng. Hiện nay, số tàu đã hoàn thành thi công, cấp phép, đi vào sản xuất gồm 1 tàu nâng cấp máy chính, 55 tàu cá đóng mới (24 tàu vỏ gỗ, 1 tàu composite, 30 tàu vỏ thép). |