Bà Nguyễn Vân An: Ngay từ khi VNF bắt đầu xây dựng mô hình tận dụng phụ phẩm từ tôm để tái sử dụng trong ngành nông nghiệp, chúng tôi chưa hề biết đến khái niệm kinh tế tuần hoàn. VNF chỉ đơn giản coi đây là một mô hình kinh doanh bền vững, không chỉ cho ngành tôm mà còn cho nền kinh tế Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu thêm về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), chúng tôi mới nhận ra rằng mô hình này thực sự phù hợp với nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.
Về cơ hội, có rất nhiều yếu tố thuận lợi. Đây là xu hướng toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chúng tôi đi theo xu hướng này sớm sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các công ty khác. Hiện tại, phần lớn khách hàng và đối tác của VNF đều tìm kiếm các nhà cung cấp hoặc đối tác có mô hình bền vững. Do đó, chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng cũng như các bên liên quan.
Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Ngành phụ phẩm tôm, không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vẫn chưa có công nghệ chiết xuất bền vững. Hầu hết các công nghệ hiện tại chỉ tập trung vào việc chiết xuất một nguyên liệu cụ thể, trong khi bỏ qua những phần khác. Điều này khác biệt so với ngành phụ phẩm cá, vốn đã được phát triển nhiều năm. Phụ phẩm tôm có đặc thù rất phức tạp, phần vỏ và phần thịt tôm có tính chất hoàn toàn khác nhau. Do đó, chúng tôi cần một công nghệ có khả năng xử lý đồng thời cả 2 phần này, nhưng rất ít công ty dám đầu tư vào nghiên cứu.
Là một trong những công ty tiên phong, VNF đã phải đầu tư nhiều, bao gồm cả thời gian và tiền bạc vào những mô hình chưa thành công, từ đó rút ra bài học và điều chỉnh. Chúng tôi đã phải thuyết phục nhà cung cấp và nhân viên rằng việc thay đổi công nghệ là cần thiết. Ban đầu, VNF hoạt động như một công ty sản xuất chitin truyền thống với công nghệ thô sơ. Thay đổi tư duy là một quá trình khó khăn, nhưng đội ngũ VNF đã đồng lòng và cùng nhau tiến bước.
Ngoài ra, khi sản xuất các dòng sản phẩm như Chitosan, VNF đã phải đối mặt với vấn đề về tiêu chuẩn cơ sở. Thời điểm đó, tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn rõ ràng cho Chitosan, dẫn đến thiếu kiểm soát Chitosan lưu hành trên thị trường với rất nhiều mức giá và chất lượng khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở của Chitosan và bộ tiêu chuẩn này đã được phê duyệt. Đây là một nỗ lực lớn của chúng tôi nhằm định hình và phát triển ngành Chitosan tại Việt Nam.