Tháng 4/2018, là hạn cuối về cảnh báo “thẻ vàng” của EU; cũng là thời điểm để những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục các khuyến nghị được đưa ra; nhằm sớm đưa sản phẩm thủy sản khai thác chiếm lĩnh thị trường châu Âu.
Ngư dân tích cực thực hiện các biện pháp về chống khai thác IUU Ảnh: Xuân Trường
Nhận rõ tính chất cấp bách của việc EU ra “thẻ vàng” có thể ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực khai thác thủy sản của Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương đã có những hành động hết sức quyết liệt để các nước trên thế giới thấy rằng Việt Nam không dung túng, làm ngơ cho khai thác IUU nhằm bảo đảm việc khai thác thủy sản có trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về chống khai thác IUU; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/1/2018 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đến năm 2025.
Cùng với Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Quyết định số 670/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ. Công văn số 412/BNN-TCTS, ngày 16/1/2018 gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch hành động và triển khai quyết liệt nhiều nhóm giải pháp khắc phục “thẻ vàng”; với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, Luật Thủy sản (sửa đổi) năm 2017 được ban hành đã tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.
Tổng cục Thủy sản cũng triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT về một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU. Tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia khác đã giảm rõ rệt sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội tích cực triển khai thực hiện. Hội Nghề cá Việt Nam cũng có văn bản gửi tới Hội Nghề cá, Hội Thủy sản các tỉnh ven biển và các hội viên về việc triển khai các biện pháp chống khai thác IUU; tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn về quy định pháp luật, thực thi các quy định về quản lý khai thác và các biện pháp bảo tồn, vận động doanh nghiệp, chủ tàu tham gia hợp tác với các quốc gia Brunei, Papua New Guinea… trong khai thác hải sản.
>> Ông Karmenu Vella, Cao ủy phụ trách về môi trường, hàng hải và thủy sản EU: Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần cung cấp một bản báo cáo về những tiến bộ trong chương trình hành động của mình. EC sẽ tiến hành đánh giá, trong đó căn cứ chủ yếu dựa trên cơ sở kiểm tra tại thực địa, về nội dung chương trình hành động của Việt Nam so với hiện trạng được ghi nhận tại thời điểm mà EC đưa ra quyết định ban đầu ngày 23/10/2017. |