Ngày 23/10, Liên minh châu Âu (EU) đã ra công bố cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam; điều này sẽ phần nào tác động đến hoạt động đánh bắt hải sản. Phía Việt Nam đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp để EU sớm rút cảnh báo này.
Ngư dân khai thác thủy sản biển xa Ảnh: Xuân Trường
Cảnh báo “thẻ vàng” từ EU
Hoạt động khai thác hải sản xa bờ đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đời sống của đại bộ phận ngư dân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận từ khai thác thủy sản, đặc biệt là các loài quý hiếm, khi mà ngư trường trong nước ngày càng khó khăn, thì tình trạng ngư dân xâm phạm trái phép vùng biển các nước ngày càng gia tăng, tình trạng này đến mức báo động mà cụ thể là EU đã có những cảnh báo đối với Việt Nam về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tổng Cục Thủy sản cho biết, từ ngày 13 – 19/5/2017, đoàn công tác DG-MARE của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EU về IUU. Qua kết quả kiểm tra, EU cho rằng hoạt động quản lý khai thác thủy sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về IUU. Theo đó, đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải hoàn thành trước 30/9/2017: Hoàn thiện thể chế; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, phía Việt Nam đã tích cực triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ để hoàn tất thủ tục Việt Nam gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc và Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO. Tuy nhiên, do đặc thù nghề cá Việt Nam là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ, đa loài, trình độ ngư dân thấp, trang thiết bị trên tàu lạc hậu nên việc áp dụng các biện pháp để giải quyết các khuyến nghị của EC chưa được triệt để, vẫn còn một số nội dung mà theo đánh giá của EC cần tiếp tục hoàn thiện; kỹ thuật lập pháp của Việt Nam và EU có khác nhau nên EC vẫn cho rằng việc hoàn thiện thế chế là chưa đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc EU cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, sẽ có những tác động nhất định, như: Các lô hàng bị tăng tuần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.
“Thẻ vàng” được xem như là một cảnh cáo và đưa ra khả năng Việt Nam thực thi những biện pháp nhằm điều chỉnh tình trạng thực tiễn theo một khung thời gian hợp lý. Điều này cho thấy, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu quả thì nguy cơ bị “thẻ đỏ” là rất lớn.
Nỗ lực cải thiện
Vấn đề đặt ra đối với ngành thủy sản Việt Nam là phải quyết liệt chống nạn khai thác bất hợp pháp và coi đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng có trách nhiệm hơn, bền vững hơn. Đánh bắt theo kiểu tận diệt bằng xung điện, lưới kéo đáy hay nổ mìn; đánh bắt bất hợp pháp ở các vùng biển nước ngoài, những cách khai thác này đang bị cộng đồng quốc tế phản đối và đó cũng là lý do EU yêu cầu Việt Nam phải tăng cường truy xuất nguồn gốc hải sản, kiểm soát khai thác, luật hóa các khung hình phạt, đánh giá trữ lượng và bảo tồn biển. Bộ NN&PTNT cho biết, những nội dung này đã được đưa vào Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi nhằm phát triển một ngành thủy sản hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững. Trong Luật sẽ có mục quy định về IUU và sẽ thành lập lực lượng kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành ven biển để kiểm soát. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện 732 quy trách nhiệm cho chủ tịch UBND các tỉnh về việc tàu cá vi phạm lãnh hải các nước. Kế hoạch hành động quốc gia chống IUU cũng sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU đến năm 2025. Thành lập tổ công tác liên ngành do Bộ NN&PTNT làm Tổ trưởng với sự tham gia của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của EU. Tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU. Đối với các địa phương, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, ngặn chặn, chấm dứt tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản, bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định…
Đại diện VASEP cho rằng, ngoài việc bắt buộc ngư dân ghi nhật ký khai thác trên biển cần tăng năng lực cho các cảng cá. Hiện, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm đáp ứng các yêu cầu của EU. Trong đó có việc hợp tác với 4 đơn vị là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản nhằm triển khai những biện pháp chống đánh bắt IUU. Cộng đồng doanh nghiệp hải sản cũng đang thể hiện sự quyết tâm khi tham gia vào chương trình cam kết chống khai thác IUU do VASEP đề xướng. Tính đến giữa tháng 10/2017, đã có 73 doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU.
>> Trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian bị kéo dài, thậm chí 3 – 4 tuần. Riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Sau khi bị cảnh cáo “thẻ vàng”, ngành hải sản Việt Nam có 6 tháng để phấn đấu lấy lại “thẻ xanh” từ EC. |