Con tàu QNg 96055 TS lầm lũi xuyên qua màn đêm, vượt sóng Hoàng Sa trở về đất liền, giữa lúc biển động, sóng cao 6 mét. Ông Giàu quyết định đi giữa biển bão vì trên tàu có 570 con hải sâm trị giá gần 1 tỷ đồng, nếu bị bắt thì coi như trắng tay. Và không ngờ, đây lại là chuyến đi cuối cùng của sói biển Hoàng Sa.
Tàu cá của ngư dân Dương Văn Giàu
Giỡn mặt với tàu tuần tra
Ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân Dương Văn Giàu, SN 1977, thuyền trưởng tàu cá QNg 96055 TS cũng là một trong những sói biển Hoàng Sa. Phiên biển mùa đông, khi tờ lịch giữa năm 2018 và 2019 sắp sang trang, ông Giàu quyết định cho tàu lội hẳn vào gần đảo Phú Lâm để lặn hải sâm. Đảo Phú Lâm là căn cứ quân sự chính mà Trung Quốc đặt ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là cái gọi là Trung tâm hành chính thành phố Tam Sa. Mỗi khi tàu ngư dân Việt Nam tiến vào gần thì đều bị tàu tuần tra xông ra rượt đuổi tơi bời, sau đó là đâm húc.
Nhưng tại sao trong phiên biển giữa năm cũ và năm mới, sói biển lại quyết định giỡn mặt với đoàn tàu tuần tra hung dữ khoảng 60 chiếc đang neo trong cảng. Một chiếc tàu vỏ gỗ dài 20 mét, công suất máy 700 mã lực, nhưng dám đương đầu với khoảng 60 con tàu, những con tàu này ngắn nhất cũng khoảng 60 mét, có chiếc dài khoảng 150 mét. Lý do, ông Giàu và các ngư dân ở làng chài Bình Châu trong đất liền đã nắm được gót chân A Sin của đảo Phú Lâm, đó là lúc biển động cấp 8, sóng cao 6 mét thì những con tàu tuần tra to xác bị bắt bí trong đảo.
Sói biển Dương Văn Giàu – tư liệu
Các ngư dân đi cùng ông Giàu thuật lại, có nhiều lần ngư dân vào cửa đảo để lặn, tàu tuần ta to bự bự hắn xông ra, nhưng mũi tàu hắn nhóc lên nhóc xuống mạnh lắm nên hắn không dám tiến, chỉ đi từ từ và sợ quá nên lại chạy vô núp, bà con ngư dân trên tàu đứng nhìn ra cười.
Con tàu của ông Giàu đột thẳng về sát đảo Phú Lâm lặn. Ngư dân từng 5 lần bị Trung Quốc bắt và đập phá tàu biết tỏng rằng, chiếc tàu mình luôn nằm trong tầm ngắm của tàu tuần tra Trung Quốc, nên lặn xong thì phải áp dụng ngay kế “tẩu vi thượng sách”, tức có nhiều hải sản là chạy trốn ngay, kéo bị cướp. Các ngư dân ngậm dây hơi và thả xuống độ sâu tới 60 mét nước. Kết thúc phiên lặn nào cũng lôi lên được một giỏ hải sâm. Khuôn mặt của các ngư dân trên tàu nở nụ cười vì mỗi con hải sâm to bán với giá khoảng 1,6 triệu đồng.
Vì biết rõ con tàu nằm trong vòng ngắm. Biết rõ chiếc tàu lặn được 570 con hải sâm trị giá gần 1 tỷ đồng và khi biển lặng sóng tàu tuần tra xông ra bắt, tịch thu hải sản ngay lập tức. Vì vậy ông Giàu vẫn quyết định cho tàu đi bám theo lượn sóng để trở về. “Sóng cao tới 6 mét thì có sao không?”, có ngư dân chột dạ hỏi, ông Giàu vẫn khẳng định là đi được, cho tàu chạy theo kim 240 độ là chếnh với hướng sóng. Câu chuyện trên cho thấy sự nhọc nhằn đến tận cùng của ngư dân Hoàng Sa.
Mất vì lo cho tàu
Ngư dân Trương Tấn Vững, người cùng đồng hành với sói biển trong chuyến đi cuối cùng
Tại vũng neo đậu Mù Cu ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tàu QNg 96055 TS thả chiếc dây neo khá dài và neo đậu, đứng riêng biệt với vẻ cô đơn giữa nhiều chiếc tàu đang xếp một hàng dài ngủ đông. Con tàu này trở về nhà, nhưng vị thuyền trưởng thì đã nằm lại với biển Hoàng Sa. Trong đêm ngày 1/1/2019, ông Giàu bật dậy và nhìn ra biển đen ngòm. Chưa tới ca trực nhưng ông Giàu quyết định cầm lái thay và cuối cùng bị rơi xuống biển.
Ngôi nhà của ông Giàu nằm ngay trước mặt cảng. Trong căn nhà ảm đạm, màu tối và lạnh lẽo, bà Bùi Thị Phước, vợ ông Giàu và cô con gái nhỏ là Dương Xuân Trường nằm liệt trong buồng tối ẩm thấp nhiều ngày, giờ đây họ đã phải chấp nhận sự thật và bước ra cuộc sống với những bước chân chênh vênh, tâm tưởng chới với. Những người bà con họ hàng đứng ra lo liệu hậu sự và đặt thầy cúng làm hình nhân để xây mộ gió, cầu hồn để ngư dân Dương Văn Giàu từ biển khơi nhớ đất liền mà trở về bản quán.
Ngư dân Trương Tấn Vững, 21 tuổi, là người đi trên tàu. Anh Vững có quan hệ bà con với thuyền trưởng Dương Văn Giàu nên hiểu rõ sự tình và chia sẻ cái nhìn đầy cảm thông trước một vài tin đồn đầy hồ nghi về cái chết của thuyền trưởng. Vững cho biết, “ca trực lái tàu của anh Giàu là 4 – 6 giờ sáng, nhưng anh lo lắng nên dậy cầm lái, tàu đi qua biên 110 thì gặp rất nhiều tàu vận tải, trong lúc sóng lớn phải né họ liên tục, gặp lượn lớn nên tàu lật và anh rơi xuống biển”.
Bối cảnh tai nạn được anh Vững kể lại quá khủng khiếp, đó là tất cả ngư dân đang ngủ, bỗng nhiên chiếc tàu lật ngang trong tư thế chìm, khiến tất cả mọi vật dụng đều dồn về một phía và ngư dân cũng dồn nén lên nhau. Tiếng la hét “chìm tàu rồi!” vang khắp ca bin và khi con tàu tạm quân bình trở lại thì phát hiện ra 2 ngư dân rơi xuống biển, nhưng một người bám được vào dây neo.
Mọi người đề máy tàu, nhưng con tàu chết dí như người bị rơi vào cùm. Vì tàu lật góc nghiêng quá lớn nên toàn bộ bình gas trên nóc tàu, 2 tẹc nước 1000 lít trước boong và 250 mét dây neo đều bay xuống biển. Con tàu không chìm là nhờ chiếc dù neo trên boong rơi xuống biển và dù tự bung ra, chứa đầy nước rồi kéo căng, làm con tàu đi giật lùi. Dây neo quấn chặt vào chân vịt. Đối với ngư dân đi biển, dây quấn chân vịt là dấu hiệu chấm hết. Mọi người lia đèn pin ra biển thấy thuyền trưởng Giàu vẫy tay, nhưng tất cả đều bất lực.
>> Khi nhắc đến cái tên sói biển Dương Văn Giàu, nhiều ngư dân đảo Lý Sơn ánh mắt lặng lẽ và quay mặt đi, nói lời tiếc nuối. Các ngư dân cho biết, trong chuyến đi vừa rồi, ông Giàu đã cho con tàu đi vào vùng vốn là cấm kỵ, nhưng kỵ đối với các ngư dân nhát gan, còn đối với những ngư dân thuộc hạng sói biển thì đó chính là vựa hải sâm. |