(TSVN) – Vào mùa mưa lũ, thời tiết diễn biến thất thường, mưa dông bất chợt xảy ra nhiều hơn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã đưa ra khuyến cáo để người nuôi thủy sản chủ động ứng phó.
Tại xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, tính đến tháng 7/2022, diện tích mặt nước nuôi thủy sản toàn xã có trên 21 ha và cặp sông Tiền, sông Cổ Chiên hiện có khoảng 1.000 lồng bè nuôi thủy sản. Người nuôi thủy sản địa phương cho biết, hiện nay vào mùa mưa lũ, nước đục nên cá dễ nhiễm bệnh hơn, như bệnh gan thận mủ, xuất huyết,… và tháng 7 âm lịch còn là nghịch vụ cá nên tỷ lệ hao hụt cũng nhiều hơn.
Ảnh minh họa. Ảnh: ST
Các hộ nuôi cũng đã thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của cá, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cá. Với hộ nuôi lồng bè, người dân cũng đã thuê thợ gia cố lại lồng bè, thường xuyên kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người nuôi thủy sản phương pháp chăm sóc, bảo vệ các lồng cá; thông báo kịp thời tình hình mưa lũ; vận động người dân đầu tư lồng bè nuôi cá bằng hệ thống khung thép chắc chắn. Đến thời điểm này, hầu hết các diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được người dân triển khai các biện pháp bảo vệ kịp thời.
Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Vĩnh Long cho biết, từ đầu năm đến nay, yếu tố môi trường thường xuyên biến động là nguyên nhân gây xuất hiện bệnh trên cá điêu hồng. Khuyến cáo các cơ sở nuôi nên chọn con giống lớn, khỏe mạnh thả nuôi để hạn chế hao hụt. Bên cạnh đó, giá thức ăn liên tục tăng cao ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của người nuôi.
Mộc Trà