Vĩnh Long: Tận dụng tối đa lợi thế phát triển thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Vĩnh Long đưa ra mục tiêu tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tài nguyên, nhân lực để phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh (2010) tăng bình quân 2,4%/năm giai đoạn 2021 – 2025 và 1,8%/năm giai đoạn 2026 – 2030; Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.250 ha, trong đó diện tích nuôi cá tra 500 ha, nuôi thủy sản lồng bè 2.000 cái; tổng sản lượng thủy sản đạt 166.000 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi thủy sản đạt 160.000 tấn, sản lượng khai thác thủy sản nội địa duy trì mức 6.000 tấn. Cùng đó, xây dựng ít nhất 1 cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; 100% các cơ sở nuôi thủy sản đối tượng chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng và 30% được chứng nhận GAP, Global GAP, ASC, BAP…

Cá điêu hồng là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Vĩnh Long. Ảnh: ST

Để đảm bảo được các mục tiêu này, tỉnh sẽ tổ chức lại lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế thủy sản. Cụ thể, với lĩnh vực khai thác thủy sản, sẽ tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản nội địa hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế về nguồn lợi thủy sản, đặc điểm sinh kế của cộng đồng dân cư. Từng bước, tiến tới loại bỏ các loại hình, phương tiện khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên; Chọn lọc, khôi phục các loại nghề, ngư cụ đánh bắt thủy sản truyền thống hiệu quả, thân thiện với môi trường hệ sinh thái thủy vực, không tận diệt nguồn lợi thủy sản…

Với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến đối tượng chủ lực, kinh tế của tỉnh: cá tra, tôm càng xanh, cá lóc, cá thác lác cườm, cá điêu hồng, lươn; phát triển các vùng nuôi đối tượng chủ lực theo liên kết chuỗi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ. Đảm bảo các vùng nuôi đối tượng chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng, tăng số lượng cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP…); phát triển nuôi trồng thủy sản tại ở các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và các vùng này không còn lợi thế để duy trì sản xuất nông nghiệp có hiệu quả…

Cùng đó, chú trọng phát triển hệ thống nhà máy chế biến thủy sản đạt chuẩn được đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại để tăng công suất chế biến, chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu; xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc trưng của tỉnh gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ thị trường nội địa tiềm năng…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!