(TSVN) – Đây là một trong những chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nuôi.
Những năm gần đây, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc khá phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau như nuôi trong ao, đầm, hồ chứa, nuôi bể, nuôi lồng. Phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh ngày càng được mở rộng. Nhiều vùng nuôi tập trung mang lại hiệu quả cao như sản xuất, ương dưỡng và kinh doanh giống thủy sản ở các xã: Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến (Vĩnh Tường); nuôi cá thương phẩm ở các xã: Phú Đa, Tuân Chính (Vĩnh Tường), Tam Hồng, Yên Đồng, Nguyệt Đức, Liên Châu (Yên Lạc).
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao như nuôi cá rô phi, cá trắm, cá chép theo công nghệ “sông trong ao” ở các xã: Đồng Văn, Nguyệt Đức (Yên Lạc); nuôi cá rô phi ứng dụng công nghệ Biofoc của Israel tại 2 xã: Trung Mỹ (Bình Xuyên), Ngọc Thanh (Phúc Yên). Nhiều đối tượng thủy sản mới, có giá trị kinh tế được nông dân đưa vào sản xuất như trai nước ngọt lấy ngọc, cá lóc nhím, chuối hoa, cá tầm, ếch, ốc nhồi…
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc, để ngành thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích chuyển đổi vùng ruộng trũng cấy lúa sang mô hình lúa – cá và những vùng sản xuất lúa – cá sang nuôi chuyên cá thâm canh; khai thác tiềm năng diện tích nước ngọt ở các sông, hồ chứa, ruộng trũng hiện có để phát triển các vùng NTTS tập trung. Ưu tiên phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế, phát triển nuôi theo hình thức liên kết, thâm canh, tập trung có quy mô lớn…