Vĩnh Phúc: Nuôi trồng thủy sản gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Phát huy tiềm năng về nuôi trồng thủy sản (NTTS), ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phát triển thủy sản gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên diện tích nuôi trồng.

Mô hình nuôi cá lồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh Phạm Văn Dinh ở xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch cho hiệu quả kinh tế cao.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.500 ha NTTS, tập trung chủ yếu ở các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Nhằm thúc đẩy ngành NTTS phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng theo từng loại hình nuôi để tăng năng suất, tạo sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã hỗ trợ 19 cơ sở NTTS theo VietGAP với tổng diện tích hỗ trợ 143,3 ha/19 hộ/5 huyện, thành phố Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc, Sông Lô, Phúc Yên.

Riêng 2 năm (2022-2023), Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình hỗ trợ 3.000 m3 nuôi cá lồng giá trị cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó năm 2022 hỗ trợ 1.500 m3 tại 2 huyện Lập Thạch, Sông Lô và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 30 lượt nông dân trong, ngoài mô hình; năm 2023 tiếp tục triển khai hỗ trợ 1.500 m3 cá lồng cho 2 hợp tác xã tại huyện Sông Lô, thành phố Phúc Yên và 3 hộ dân trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch…, đưa giá trị thủy sản/ha đất năm 2023 đạt hơn 230 triệu đồng, tăng hơn 60 triệu đồng so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2016-2021 tăng 5,43%/năm.

6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 12 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Sản phẩm thủy sản không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, thành phố Hà Nội…

Tận dụng lợi thế sông phó Đáy chạy qua trên địa bàn xã, năm 2019, anh Phạm Văn Dinh, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đã đầu tư 3 lồng nuôi cá trên sông với 3 loại gồm cá trắm, cá nheo, cá lăng.

Để đảm bảo môi trường nuôi, anh Dinh thường xuyên kiểm tra độ pH phù hợp, độ trong của nước; vệ sinh lồng nuôi theo định kỳ, tạo thông thoáng mặt nước trong lồng để tăng hàm lượng oxy và chống ký sinh trùng; điều chỉnh thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng, tốc độ phát triển để tách đàn, tạo điều kiện cá lớn đồng đều.

Người dân xã Liên Châu, huyện Yên Lạc nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm đem lại thu nhập cao.

Để ổn định đầu ra sản phẩm, năm 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Dinh tham gia mô hình nuôi cá lồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc lựa chọn con giống phù hợp, gia đình được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cá lồng trên sông. Nhờ vậy, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, ước cho sản lượng 8-10 tấn/năm.

Đặc biệt, gia đình đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty có giá thu mua cao hơn 10% tại địa phương, do vậy, gia đình rất yên tâm đầu tư vào sản xuất.

So với nuôi cá trong ao, hình thức nuôi cá lồng trên sông có ưu điểm là môi trường nước tự nhiên, luôn lưu thông, sạch sẽ. Những năm qua, giá cá ổn định, có đầu ra, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi trong NTTS, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ số trong phòng trừ dịch bệnh, NTTS, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm thủy sản thế mạnh của địa phương.

Khuyến khích các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ NTTS liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm tạo chuỗi liên kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm lâu dài, bền vững; mở rộng liên doanh, liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin, dự báo thị trường, tìm nguồn đối tác…

Cùng với đó, xây dựng các chuỗi sản phẩm thủy sản an toàn, có kiểm soát từ cơ sở sản xuất đến bàn ăn; hình thành mối liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ kịp thời, giá cả phù hợp.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP cho sản phẩm thủy sản có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương như cá thính Lập Thạch, ngọc trai Tam Dương, cá tầm Tam Đảo…

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản của tỉnh đạt 3,5%/năm; sản lượng thủy sản đạt hơn 26 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt hơn 24 nghìn tấn, sản lượng thủy sản khai thác ổn định khoảng 1.950 tấn.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!