Tin tưởng vào sự giới thiệu của Sở NN&PTNT, hai ngư dân Trương Văn Ngữ và Trần Hon đã dốc toàn bộ tài sản và cố sức vay mượn để đưa tàu ra ngư trường nước ngoài khai thác, nhưng chỉ được hơn 3 tháng, họ “mất cả chì lẫn chài”. Sau nhiều nỗ lực, hai ông đã đưa được tài sản của mình về nước, nhưng đến nay, vẫn phải chờ!
Khi đi rình rang
Tại Cảng cá Tắc Cậu, ngày 30/8/2013, Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức trao giấy phép của Tổng cục Thủy sản cho 8 tàu cá (của hai ngư dân Trương Văn Ngữ và Trần Hon) đi khai thác thủy sản ở ngư trường Indonesia với thời hạn 18 tháng. Đến dự lễ còn có cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đại diện Tổng cục Thủy sản và các ban ngành trong tỉnh. Đây được coi là bước đột phá trong hợp tác quốc tế về khai thác thủy sản của Việt Nam.
Thời điểm ấy, ông Trương Văn Ngữ kỳ vọng mỗi chuyến biển đánh bắt trên ngư trường Indonesia kéo dài khoảng 30 ngày, sản phẩm hải sản khai thác đưa về Kiên Giang chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Sở NN&PTNT Kiên Giang phối hợp với Công ty CP Đầu tư Đại Dương (Bình Định) đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và đưa được tàu cá của hai ngư dân Kiên Giang vào khai thác hợp pháp ở ngư trường Indonesia sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Biển và Nghề cá nước này và được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Khi về cay đắng
Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2014, khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển hợp tác thì 4 tàu và 61 thuyền viên bị Cảnh sát Biển Indonesia bắt giữ. Lý do được cho là do vi phạm tọa độ theo luật đánh bắt thủy sản của nước sở tại, sử dụng bất hợp pháp thiết bị kéo lưới đôi và đánh bắt khi chưa được phép. Vậy là giấc mộng đổi đời tan vỡ, không những vậy, họ còn mất tài sản và phải bồi thường số tiền lớn cho gia đình 61 ngư dân (bị bắt giam và lao động hơn 10 tháng tại Indonesia).
Sau nhiều nỗ lực và can thiệp của các cơ quan ngoại giao Việt Nam, 4 tàu cá này được trả về, tuy nhiên, mọi thiết bị bị mất, thân tàu hỏng hóc nặng, hai ông lại phải đầu tư số tiền lớn để khôi phục. Hy vọng của các ông là nhanh chóng đưa 8 tàu này ra khơi khác thác để lấy tiền trả nợ dần. Nhưng rồi mong muốn trở lại biển của các ông bị dập tắt vì không thể hoàn thành thủ tục.
Rất nhiều đơn thư gửi lên các cấp, với hy vọng 8 con tàu được đăng kiểm nhanh, nhưng đến nay, tàu vẫn nằm bờ. Trao đổi với TSVN, ông Trương Văn Ngữ bày tỏ, chúng tôi chỉ mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để chúng tôi có thể đi khai thác, việc bị ngừng trệ như thế này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không những lao động mất việc mà món nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng không biết đến bao giờ mới trả được.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Kiên Giang (trực tiếp là Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản – PV), nhưng đây là việc ngoài tầm của họ, vì phải có ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản. Nhưng cho đến thời điểm này, Tổng cục Thủy sản vẫn chỉ liên hệ trực tiếp với Công ty Đại Dương và cho rằng “Công ty Đại Dương có trách nhiệm hoàn thành mọi thủ tục để Tổng cục cấp đăng ký lại”. Việc đẩy trách nhiệm giữa Tổng cục Thủy sản và Công ty Đại Dương kéo dài đến tận bây giờ, mọi thiệt hại ngư dân ở giữa gánh chịu.
Theo ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng Quản lý khai thác thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Kiên Giang, trước đây các chủ tàu đã ủy quyền cho Công ty Đại Dương làm thủ tục cho 8 tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài. Do vậy, việc cấp giấy phép đăng ký, đăng kiểm cho các tàu cá hoạt đông trở lại ở Việt Nam phải phụ thuộc phía Công ty Đại Dương. Tuy vậy, ông Trường cũng cho biết thêm, Tổng cục Thủy sản có thể thông báo kết thúc khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam đối với 8 tàu cá trên, tạo điều kiện cho họ đưa tàu vào khai thác.
Có một điều khiến mọi người thắc mắc là tại sao đến nay các cơ quan liên quan vẫn “bình chân” như vậy, đặc biệt là Sở NN&PTNT Kiên Giang. Theo như tâm sự của ông Trương Văn Ngữ, sở dĩ ông và ông Hon mạnh dạn đầu tư đưa tàu đi là vì “được Sở NN&PTNT giới thiệu nên tin tưởng và muốn làm gương cho các ngư dân khác”. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ việc, Sở NN&PTNT chỉ tổ chức một cuộc “hội thảo” gặp gỡ các bên để giải quyết vấn đề, với những lời hứa từ đại diện Công ty Đại Dương, còn từ đó đến nay không có thêm động tĩnh gì. Trong khi với Tổng cục Thủy sản, cũng chỉ trả lời công văn và yêu cầu Công ty Đại Dương nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục để đăng kiểm lại.
Với cách giải quyết “êm đềm” và vòng vo như vậy, không biết bao giờ 8 tàu cá của ngư dân mới được “nhập tịch” trở lại, và bao giờ hai ông Trương Văn Ngữ và Trần Hon có thể đưa tàu đi khai khác để mong trả hết nợ ngân hàng?
>> Ông Trần Hon chua chát: Tưởng đi nước ngoài khai thác hợp pháp sẽ mở ra cơ hội làm ăn mới, ai ngờ lại gặp họa lớn. Ngay cả những chiếc tàu chạy thoát về Việt Nam cũng gặp khó khăn. |