Đây là cuộc họp cuối cùng Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức để giải quyết vấn đề này, nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận vụ việc sẽ được đưa ra tòa nhờ pháp luật phân xử.
Quang cảnh buổi họp chiều 2/4
Chiều 2/4, Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức cuộc họp với sự có mặt của 19 ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 bị hư hỏng và 2 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Cty Đại Nguyên Dương) và Cty TNHH MTV Nam Triệu (Cty Nam Triệu), nhằm đàm phán lần cuối phương án bồi thường thiệt hại cho ngư dân những khoản thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong 19 tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 bị hư hỏng, trong đó có 5 tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng và 14 tàu do Cty Nam Triệu đóng.
Đối với 5 tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng, các chủ tàu đã kê khai thiệt hại và yêu cầu Cty này đền bù với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cty Đại Nguyên Dương không đồng ý, mà đề nghị các chủ tàu kê khai lại các khoản thiệt hại hợp lý và cung cấp các chứng từ, hóa đơn. Sau đó, 5 chủ tàu kê khai lại và được Sở NN-PTNT tổng hợp với tổng số tiền là hơn 5,3 tỷ đồng, sau đó có văn bản gửi Cty Đại Nguyên Dương đề nghị xem xét và trả lời bằng văn bản.
Cty Đại Nguyên Dương đã có văn bản trả lời “dứt điểm” là không đồng ý giải quyết và không có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trước khi đưa tàu lên đà sửa chữa. Nguyên nhân do Cty đã thực hiện việc bảo hành, sửa chữa những hư hỏng theo đúng hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Cty đồng ý hỗ trợ một phần chi phí sửa chữa hợp lý cho ông Võ Tuân với số tiền 79 triệu đồng và ông Trần Minh Vương với số tiền 30 triệu đồng. Đồng thời Cty Đại Nguyên Dương chỉ thống nhất hỗ trợ cho mỗi chủ tàu số tiền 86 triệu đồng và lãi suất vay vốn ngân hàng trong thời gian tàu lên đà sửa chữa.
Còn đối với 14 tàu do Cty Nam Triệu đóng, các chủ tàu đã kê khai và yêu cầu Cty Nam Triệu phải đền bù, hỗ trợ số tiền là hơn 36,5 tỷ đồng. Tuy nhiên Cty TNHH MTV Nam Triệu không đồng ý giải quyết mà đề nghị các chủ tàu trên kê khai lại các khoản thiệt hại hợp lý và cung cấp chứng từ, hóa đơn để có cơ sở xem xét trả lời.
Sau đó, 14 chủ tàu kê khai lại và yêu cầu thiệt hại hơn 27,8 tỷ đồng. Thế nhưng Cty Nam Triệu trả lời bằng văn bản rằng không có trách nhiệm đền bù theo yêu cầu của 14 chủ tàu, bởi cho rằng Cty đã tuân thủ hợp đồng, thực hiện đúng thiết kế, quy trình theo quy định đã được kiểm tra, kiểm định chặt chẽ theo từng giai đoạn có xác nhận của cơ quan đăng kiểm tàu cá. Khi xảy ra sự cố, Cty đã hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho từng chủ tàu; thay thế, sửa chữa, bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng và yêu cầu của từng chủ tàu.
Vì vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của 14 chủ tàu là không có căn cứ. Cty Nam Triệu chỉ đồng ý hỗ trợ một số khoản để chia sẻ khó khăn với 14 chủ tàu bị thiệt hại. Các phương án xử lý của Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu đều không được 19 ngư dân đồng ý.
Tại cuộc họp chiều 2/4, cả Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu đều đề nghị ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện để các Cty đối thoại trực tiếp với 19 ngư dân, bàn bạc, đi đến thống nhất. Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cuộc họp chiều 2/4 sẽ là cuộc họp cuối cùng ngành nông nghiệp tỉnh này tổ chức giải quyết vụ đền bù, hỗ trợ giữa các đơn vị đóng tàu và 19 chủ tàu. Bởi nếu sau khi đàm phán trực tiếp với ngư dân, nếu các đơn vị đóng tàu đồng ý đền bù thì cứ thế thực hiện, không còn gì phải bàn, nếu DN đóng tàu không đồng ý thì vụ việc sẽ được đưa ra tòa, đến khi ấy ngành nông nghiệp Bình Định sẽ không can thiệp nữa.