Đang là thời điểm xuống giống vụ nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL, tuy nhiên do lo ngại tình hình dịch bệnh, nhiều nơi chỉ thả nuôi cầm chừng để theo dõi tình hình. Nếu thuận lợi mới tiến hành thả đồng loạt.
Năm nay, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 1.600 ha tôm công nghiệp, chủ yếu ở khu nuôi trồng thủy sản tập trung Hà Tiên – Kiên Lương. Mặc dù đã vào vụ nuôi chính nhưng đến thời điểm này các đơn vị và người dân mới thả nuôi được 390 ha tôm công nghiệp, trong đó có 330 ha tôm thẻ chân trắng.
Theo các hộ nuôi tôm, do vụ nuôi năm rồi dịch bệnh trên tôm diễn biến rất phức tạp, tôm bị hội chứng hoại tử gan tụy dẫn đến chết hàng loạt nhưng không xác định được nguyên nhân nên họ rất lo lắng. Ông Nguyễn Danh Hiện, GĐ Công ty TNHN Thủy sản Minh Phú (Kiên Giang) cho biết, Công ty đã quy hoạch diện tích thả nuôi lên đến 500 ao (5.000 – 6.000 m2/ao). Do dịch bệnh quá nhiều, càng thả càng lỗ nên vụ này Công ty mới chỉ thả giống nuôi thử 6 ao để kiểm tra tình hình. Nếu tôm phát triển tốt, không bị dịch bệnh thì mới thả nuôi tiếp khoảng 100 ao. Sau vụ đầu thành công thì mới tiến hành thả nuôi toàn bộ diện tích.
Không chỉ những đơn vị có diện tích lớn thả nuôi cầm chừng mà ngay cả nông dân có 1 – 2 ha cũng rất dè dặt khi thả giống. Ông Nguyễn Văn Đức ở xã Hòa Điền, Kiên Lương có 1,5 ha nuôi tôm công nghiệp đang rất lưỡng lự có nên thả giống hay chưa dù ao nuôi đã được xử lý xong.
Nhiều vùng nuôi tôm ở Hà Tiên – Kiên Lương chưa dám thả giống do lo ngại dịch bệnh và độ mặn còn thấp
Ông Đức cho biết: “Mọi năm giờ này tôi đã thả nuôi được gần 1 tháng, nhưng năm nay vẫn chưa dám. Nếu thời tiết thuận lợi thì vài ngày nữa sẽ đi bắt giống về thả, nhưng cũng chỉ nuôi với mật độ thưa cho ăn chắc. Lỡ có thất bại thì lỗ cũng ít, còn vốn để tái đầu tư”.
Ngoài chuyện lo ngại dịch bệnh, một số nơi nước mặn về khá yếu nên nông dân khó lấy được nước. Ông Nguyễn Danh Hiện cho biết, do hệ thống thủy lợi trong khu vực này vẫn sử dụng chung với SXNN nên các cống ven biển thường được ngành chức năng cho đóng lại nhằm giữ ngọt. Vì vậy, người nuôi tôm ở đây chỉ có thể lấy nước mặn được 1 lần trong năm.
Nếu muốn nuôi vụ sau thì buộc phải tái sử dụng lại nước từ vụ nuôi trước. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra thì không có nước để thả nuôi nữa. Thông thường thời gian lấy nước ở đây là từ tháng 1 đến tháng 6, nhưng năm nay mãi gần giữa tháng 2 mới có nước mặn vào.
Ông Vương Minh Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, toàn huyện mới chỉ thả được 300/850 ha tôm công nghiệp, phải đợi tới khoảng tháng 4 – 5 người dân mới mạnh dạn thả nuôi nhiều. Còn về tình hình thiếu nước mặn, theo ông Mẫn là do địa phương phải hạn chế mở các cống, sợ nước biển lấn sâu vào đất liền gây ảnh hưởng lớn đến việc SX lúa của nông dân.
PGĐ Sở NN&PTNT Kiên Giang Trần Chí Viễn cho biết, năm nay kế hoạch nuôi tôm nước lợ của tỉnh là 87.690 ha, đến nay nông dân đã thả giống 63.585 ha, chủ yếu là theo mô hình tôm – lúa và quảng canh cải tiến. Còn riêng về tôm công nghiệp thả nuôi chưa nhiều, do nông dân còn dè dặt, chưa dám mạnh dạn. Để hạn chế thiệt hại, ngành khuyến cáo bà con tuân thủ lịch thời vụ cũng như các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, kiểm tra chặt chẽ khâu SX, vận chuyển, kinh doanh con giống, vật tư nuôi trồng thủy sản…