Từ mùng 6 tết, ngư dân theo nghề câu mực xà lại vươn khơi bám biển Trường Sa. Đây là một trong những nghề khai thác hải sản chủ lực của Quảng Nam, chuyến “mở biển” mang theo nhiều kỳ vọng về một năm sản xuất bội thu…
Sản phẩm mực xà ngư dân Quảng Nam khai thác được. Ảnh: Quang Việt
Hồ hởi vươn khơi
Đến hẹn lại lên, từ ngày Mùng 6 tết trở đi là ngư dân theo nghề câu mực khơi ở xã Bình Minh (Thăng Bình) lại lần lượt nhổ neo, vươn khơi bám biển Trường Sa. Trước khi mở biển, các chủ tàu làm lễ cúng vái, cầu mong ơn trên độ trì cho năm sản xuất thành công. Theo ngư dân Phạm Phú Trung (thôn Bình Tân, xã Bình Minh), chuyến biển đầu tiên của năm mới mang theo nhiều kỳ vọng. “Nghề câu mực khơi đặc biệt ở chỗ mỗi chuyến biển kéo dài 2 – 3 tháng tại vùng biển xa. Mỗi tàu thường có khoảng 45 thúng câu của 45 bạn biển. Mỗi đêm họ thức trắng, một mình riêng biệt, tự túc câu mực mà không có sự trợ giúp nào. Chuyến biển mở hàng bội thu thì các lao động sẽ có thêm động lực, gắn bó sản xuất lâu dài” – anh Trung nói. Hơn 10 năm câu mực giữa trùng dương, anh Trung thấu hiểu nỗi cơ cực của bạn biển và tìm cách giúp họ có điều kiện sản xuất tốt nhất. Anh bảo, đầu xuôi thì đuôi mới lọt, chuyến mở hàng hanh thông thì 3 chuyến còn lại sẽ thuận lợi. “Thời tiết khi ra giêng rất thất thường, nắng đó, trời yên đó rồi trở rét, dông gió bất ngờ, nguy hiểm lắm. Nghề này dãi gió dầm sương, ngay cả giấc ngủ cũng chập chờn, nhiều khi thao thức. Chỉ mong ngư dân chúng tôi ra khơi chuyến “mở biển” này được thuận buồm xuôi gió” – anh Trung nói thêm.
Những ngày qua, ngư dân ở các thôn Bình Tân, Tân An, Hà Bình… của xã Bình Minh rộn ràng chuẩn bị cho chuyến câu mực đầu năm. Những ngư dân đi “bạn” cho các chủ tàu hăm hở khiêng thúng câu, cầm rường câu, mang theo áo ấm… để cùng chủ tàu chuẩn bị vươn khơi. Anh Phạm Tứ (thôn Hà Bình) chia sẻ, một năm có 4 chuyến biển thì sợ nhất là chuyến khởi đầu. Chuyến này vẫn thuộc vụ cá bắc, câu mực trong điều kiện biển động, nhiều khi gió giật mạnh phải vào neo đậu ở các âu thuyền quanh quần đảo Trường Sa. “Cả năm quần quật sản xuất trên vùng biển xa, hầu như chúng tôi không có thú vui nào ngoài câu được thật nhiều mực xà. Tôi cũng như mọi anh em đều chú tâm câu mực từ chập tối cho đến sáng, mong đạt sản lượng cao. Tết này vui vầy, đầm ấm cùng gia đình, anh em, họ hàng, láng giềng rất ý nghĩa nên chừ lại thỏa sức vươn khơi câu mực” – anh Tứ nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, năm 2016, sản lượng khai thác hải sản của địa phương đạt hơn 11 nghìn tấn, trong đó, riêng mực xà đã đạt hơn 5 nghìn tấn. Câu mực xà là nghề truyền thống, đã giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Sau quá trình chuẩn bị từ trước tết và làm lễ cúng tế vào Mùng 5 thì bắt đầu từ Mùng 6 tết, các chủ tàu câu mực khơi lần lượt tiến ra biển, bắt đầu năm sản xuất mới. “Mặc dù đầu năm thời tiết nhiều biến động nhưng anh em câu mực khơi vẫn rất háo hức. Họ khao khát làm giàu từ biển, khao khát góp phần gìn giữ phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc” – ông Bảy nói.
Nhiều kỳ vọng
Những ngày gần đây, cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) rất nhộn nhịp. Mọi người í ới gọi nhau khiêng thúng câu, các nhu yếu phẩm như mì tôm, nước ngọt… lên tàu, chờ ngày khởi hành vươn khơi câu mực. Ngư dân Phạm Quyến (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, một chủ tàu câu mực khơi) cho biết, ngày Mùng 7 sẽ “mở biển” đầu năm. Theo ông Quyến, gia đình dự định đi biển mở hàng vào mùng 6 tết nhưng năm nay huyện Núi Thành tổ chức lễ ra quân cho cả đội tàu khai thác xa bờ của toàn huyện vào chiều ngày Mùng 7 tết nên tạm hoãn. “Năm vừa rồi, chúng tôi cố gắng xoay xở, năng nổ bám biển được 5 chuyến, nhiều hơn các năm trước một chuyến và khai thác đạt sản lượng nên giá trị kinh tế đem lại khá cao. Các bạn biển phấn khởi hối thúc ra khơi sớm, mong hái “lộc biển” trước tiên nhưng chậm một ngày cũng không sao. Mọi người háo hức vươn khơi và tin tưởng sẽ có một năm sản xuất bội thu” – ông Quyến nói.
Xã Tam Giang có tất thảy 48 tàu câu mực khơi thì riêng thôn Đông Xuân đã chiếm đến 2/3. Những ngày này, tiếng nói cười rộn rã khắp thôn khi ngư dân tất bật chuẩn bị cho chuyến “mở biển”. Ngư dân Phạm Quốc – chủ tàu câu mực khơi QNa-91009 cho biết, sẽ có 40 bạn biển cùng ông ra khơi câu mực, nhổ neo vào Mùng 7 tết. Ra đến Trường Sa, ông Quốc sẽ cố định con tàu QNa-91009 bằng neo dù. Trong vòng bán kính hơn 200m quanh con tàu, 40 thúng câu của 40 bạn biển sẽ tỏa ra các hướng để cùng câu mực bằng rường. Các thúng câu sẽ được buộc vào thân “tàu mẹ” bằng dây cỡ lớn rồi cứ thế câu mực từ tờ mờ tối cho đến rạng đông. Khi mặt trời ánh lên, các bạn biển sẽ thu hoạch mực xà về phơi trên giàn tàu đến tận trưa. Sau đó, họ sẽ dùng bữa rồi ngủ đến chập tối và lại tiếp tục đi câu. Nhịp sống giữa biển khơi đều đặn tiếp nối như vậy.
Quảng Nam có 2 nghề khai thác hải sản chủ lực là câu mực khơi và lưới vây, đem lại hơn 40 nghìn tấn trong tổng số hơn 70 nghìn tấn hải sản đánh bắt được mỗi năm. Tam Giang và Bình Minh là 2 xã biển có nghề câu mực khơi lớn nhất tỉnh. Riêng sản lượng mực xà phơi khô của Tam Giang đạt gần 15 nghìn tấn mỗi năm. Theo ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, ngư dân câu mực xà là những người can trường bởi quanh năm họ phải sống chung với sóng gió biển khơi. Nhưng nghề này cũng đã đem lại nguồn thu nhập khá cao, nhiều chủ tàu thu được tiền tỷ sau mỗi chuyến biển, còn ngư dân đi bạn thì có đời sống khấm khá hơn nhờ cần mẫn vươn khơi bám biển câu mực.