Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ dân ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên bởi ốc hương, cá chẻm, tôm thẻ chân trắng bị chết liên tục; nhiều người nuôi bị thua lỗ nặng.
Ông Trần Đình Bảy (thôn Tân Phú) đã nuôi trồng thủy sản (NTTS) mấy năm nay, gắn bó với nhiều đối tượng nuôi như: tôm, cá, ốc. Vụ được, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, nhưng vụ mất thì thua lỗ cũng không hề nhỏ. Vụ NTTS năm nay, ông Bảy đầu tư nuôi ốc hương. Thế nhưng, ốc thả nuôi một thời gian ngắn lại bắt đầu bỏ ăn và chết. Ông Bảy nói: “Đầu năm nay, gia đình tôi thả nuôi 1,8 triệu con giống ốc hương, tiền đầu tư giống và thức ăn lên đến 230 triệu đồng. Thế nhưng, ốc thả được 50 – 60 ngày tuổi lại bắt đầu bị chết. Đến nay, tỷ lệ chết đã hơn 70%. Thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, không biết số ốc còn lại rồi sẽ ra sao”. Được biết, không chỉ đìa ốc hương mà đìa cá chẻm của ông cũng bị thiệt hại; con giống thả xuống đã bị hao hụt khoảng 30%. Tính ra, mới đầu vụ, gia đình ông đã mất hơn 250 triệu đồng tiền đầu tư.
Vụ nuôi này, gia đình ông Lê Minh Kha thua lỗ nặng do ốc hương bị chết.
Ông Lê Minh Kha (thôn Tân Quý) cho biết: “Ốc thả nuôi được 4, 5 tháng thì bắt đầu chết. Tôi đã hẹn người mua bắt ốc rồi, nhưng họ dời lại mấy ngày sau. Ai ngờ ốc chết hàng loạt. Vụ này, gia đình tôi thua lỗ nặng”. Để nuôi 4 đìa ốc hương, ông Kha phải đầu tư hơn 400 triệu đồng/ao. Tính sơ chi phí đầu tư đã lên hơn 1,2 tỷ đồng. Số ốc hương thương phẩm bị chết khoảng 6 tấn; với giá 180.000 đồng/kg, ông thất thu gần 4 tỷ đồng. Ông Kha cho rằng: “Ngoài thời tiết thất thường khiến cho con ốc bị sốc thì môi trường nước là một trong những nguyên nhân chính. Theo tôi, những người đào dời biển, sò giá ở đầm Thủy Triều đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Chúng tôi lấy nước vào không đảm bảo nên ốc bị chết”. Còn ông Lê Văn Minh – hộ nuôi cá chẻm ở thôn Tân Quý cho biết: “Ngày nào cũng vậy, hàng trăm người dân ở địa phương và các xã lân cận đổ xô ra đầm Thủy Triều để khai thác dời biển, sò giá… Họ đào xới khắp nơi nên nhiều tạp chất tích tụ dưới đáy đầm lâu ngày bị xới lên, hòa lẫn trong nước khiến cho nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu tình trạng này không sớm chấm dứt thì không chỉ có tôm, ốc bị chết, mà ngay cả cá đang thả nuôi cũng có nguy cơ chết rất cao”.
Thời gian gần đây, hầu hết các hộ NTTS tại xã Cam Thành Bắc đều bị thiệt hại. Theo thống kê của Hội Nông dân xã, hiện nay, diện tích NTTS của địa phương khoảng 80ha. Trong đó, có 50ha tôm thẻ chân trắng, 20ha cá các loại và gần 10ha ốc hương. “Gần đây, các hộ NTTS trên địa bàn xã bị thiệt hại nặng, trong đó, tôm bị thiệt hại khoảng 40%, ốc hương thiệt hại khoảng 60 – 65%, riêng cá thiệt hại không đáng kể”, ông Lâm Ngọc Xuyên – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết. Ông Xuyên còn cho rằng, nông dân thả giống không theo lịch thời vụ, không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng nên nguy cơ thiệt hại rất lớn…
>> Ông Hồ Thọ – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc: Việc người dân đổ xô ra bãi triều để đào bắt sò giá, dời biển đã gây nên xung đột lợi ích với các hộ NTTS gần đó. Tuy nhiên, việc đào bắt dời biển làm nguồn nước bị ô nhiễm chỉ là một trong nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài khiến độ mặn tăng cao nên thủy sản chết hàng loạt. Bên cạnh đó, chất lượng con giống, thức ăn, quy trình nuôi của nông dân chưa đảm bảo… cũng là một nguyên nhân gây thiệt hại. Hiện nay, nắng nóng tiếp tục kéo dài. Để tránh thiệt hại, địa phương khuyến cáo nông dân không tiếp tục thả giống mà chờ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. |