Để hiểu rõ hơn về hoạt động khuyến ngư tại Kiên Giang 6 tháng đầu năm 2014 và các hoạt động trọng tâm trong những tháng cuối năm, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung Kiên (ảnh), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh.
Ông có thể cho biết kết quả nổi bật của hoạt động khuyến ngư Kiên Giang trong 6 tháng qua?
Trung tâm đã tổ chức 60 lớp tập huấn phổ cập kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho nông dân, mỗi lớp 25 – 30 học viên; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kỹ thuật nuôi tôm sú trong mô hình luân canh tôm – lúa; 3 lớp tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng cho cán bộ khuyến ngư cơ sở với trên 90 cán bộ tham dự; 15 lớp tập huấn kỹ thuật gắn với xây dựng mô hình về các nội dung: kỹ thuật nuôi cua biển trong ao, nuôi cá chình trong ao đất, nuôi tôm – lúa, cá bớp, cá mú lồng bè bằng thức ăn công nghiệp; Kỹ thuật sản xuất giống một số loài cá nước ngọt như: cá lóc, cá sặc rằn, cá trê vàng; kỹ thuật nuôi cá trê vàng, nuôi cá chạch bùn; cá trê Phú Quốc trong bể lót bạt…; 4 lớp dạy nghề trong lĩnh vực thủy sản với các nghề chính như nuôi tôm – lúa, sản xuất giống và nuôi cá rô đồng thương phẩm, nuôi cá thát lát. Hoạt động tham quan các mô hình nuôi thủy sản cũng được thực hiện.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm về kỹ thuật nuôi tôm – lúa, giải pháp cải tạo hệ thống ao – ruộng nuôi, chọn giống và phòng trị bệnh trên tôm nuôi tại các huyện Vùng U Minh Thượng, nơi tập trung gần 90% diện tích nuôi tôm – lúa của tỉnh.
Các chương trình, dự án khuyến ngư cũng được thực hiện theo đúng tiến độ, các mô hình đều cho kết quả tốt, vượt kế hoạch đề ra.
Những thuận lợi và khó khăn trong công tác khuyến ngư ở đây là gì?
Hoạt động khuyến ngư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương. Người dân tham gia chương trình nuôi thủy sản rất đồng tình và ủng hộ các mô hình khuyến ngư. Đội ngũ cán bộ khuyến ngư đa phần là cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn và sự nhiệt tình năng động trong công tác.
Mặc dù vậy, hoạt động khuyến ngư cũng gặp không ít những khó khăn bởi địa bàn rộng và đa dạng về điều kiện, lực lương cán bộ khuyến ngư trẻ có trình độ nên đa phần thiếu kinh nghiệm thực tiễn; Công tác phối hợp với các doanh nghiệp nhằm xã hội hóa hoạt động khuyến ngư còn gặp nhiều khó khăn. Thời tiết, dịch bệnh trên động vật thủy sản diễn biến phức tạp; giá cả thị trường thiếu ổn định. Nguồn con giống chất lượng phục vụ cho nuôi trồng thủy hải sản còn thiếu, phụ thuộc vào khai thác tự nhiên đặc biệt là các đối tượng chủ lực như: cá bớp, cá mú…
Thời gian tới các hoạt động khuyến ngư nào sẽ được chú trọng, thưa ông?
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Kiên Giang tiếp tục đổi mới cải tiến phương pháp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân theo hướng tích cực có sự tham gia, phối hợp giữa lý thuyết và thực tiễn sản xuất. Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ khuyến ngư, đầu tư trang thiết bị phương tiện để phục vụ cho công tác khuyến ngư, đặc biệt là công tác tập huấn. Tăng cường phối hợp với các viện, trường, trung tâm, các doanh nghiệp để xã hội hóa hoạt động khuyến ngư.
Xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa bàn cụ thể theo hướng quản lý cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã… bên cạnh việc thử nghiệm các mô hình nuôi đối tượng mới có hiệu quả. Cụ thể, tỉnh sẽ chú trọng các mô hình được coi là thế mạnh và có tiềm năng để phát triển ổn định như nuôi cá bớp, cá mú lồng bè trên biển và nuôi trong ao; mô hình nuôi tôm – lúa quản lý cộng đồng; mô hình nuôi cua biển, nuôi tôm sú, sò huyết tại tại các vùng ven biển, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh theo hướng VietGAP… Về thủy sản nước ngọt, tập trung xây dựng mô hình nuôi và sản xuất giống cá sặc rằn, cá trê vàng…