(TSVN) – Theo ngành chức năng Cà Mau, nguyên nhân ban đầu làm cua nuôi tại các địa phương trên địa bàn tình chết bất thường trên diện rộng là do ký sinh trùng.
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Cà Mau, cho biết: “Ngoài địa bàn các huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, người dân tại huyện Phú Tân cũng phát hiện cua chết bất thường. Qua khảo sát thì chúng tôi đã xác định được nguyên nhân ban đầu, cua bị nhiễm ký sinh trùng”.
Quá trình khảo sát thực tế, đa phần các hộ dân nhận định, chất lượng nguồn nước giảm, dinh dưỡng trong đất không còn so với những năm trước khiến thời gian nuôi kéo dài. Cùng với đó là thời tiết thay đổi thất thường, nắng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch ngày – đêm khá cao. Đây được xem là yếu tố bất lợi cho động vật thủy sản phát triển và là một trong những tác nhân có lợi cho các vi sinh vật, ký sinh trùng gây hại lên đối tượng thủy sản nuôi (tôm, cua).
Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận người nuôi canh tác theo phương thức truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, thả tôm giống liên tục (1 – 2 tháng thả một lần), lấy nước định kỳ theo con nước (2 lần/tháng). Đây là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào nguồn nước gây hại lên vật nuôi, trong đó có cua.
Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cần chú trọng việc chọn giống tốt khỏe mạnh, sạch bệnh; cần có thời gian cải tạo, sên vét nền đáy vuông nuôi tôm, cua để hạn chế mầm bệnh trong môi trường cũng như quản lý tốt môi trường nuôi. Thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh trên cua, tôm và liên hệ cán bộ kỹ thuật cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn phòng bệnh; diệt khuẩn để loại mầm bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường, nền đáy ao nuôi… nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh.