Quảng Ngãi hiện có 13 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đóng, sửa tàu vỏ gỗ, trong khi ngư dân đang có nhu cầu đầu tư đóng tàu công suất lớn, hiện đại và tàu vật liệu mới.
Các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền hiện đại, uy tín sẽ góp phần hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản chỉ thực hiện kiểm tra hoạt động đóng mới và cải hoán tàu cá của 13 cơ sở lớn. Còn các cơ sở nhỏ do UBND các huyện, thành phố quản lý. Vì vậy, theo phản ánh của ngư dân, một số cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện đối với ngành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định.
Đối với tàu công suất lớn, hiện đại và được đóng bằng vật liệu mới, ngư dân phải ra các tỉnh. Đáng nói, dù trong tỉnh có hai đơn vị là Công ty TNHH MTV Minh Quang và Nhà máy đóng tàu Dung Quất được công nhận đủ điều kiện đóng mới tàu vật liệu composite và tàu vỏ thép, nhưng ngư dân không mặn mà.
“Tàu vỏ composite là loại vật liệu mới nên khi đóng mới, tôi không yên tâm giao cho các cơ sở trong tỉnh. Vì thế mạnh của các cơ sở trên cũng vẫn là tàu vỏ gỗ”, ngư dân Dương Văn Rin, xã Bình Châu (Bình Sơn), chủ chiếc tàu vỏ composite đầu tiên trên địa bàn tỉnh bộc bạch. Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư chiếc tàu vỏ composite công suất 850CV, với tổng kinh phí đầu tư 13,5 tỷ đồng (chưa kể chi phí ngư lưới cụ), ông Rin cũng lựa chọn Nhà máy đóng tàu Tân Đại Dương ở TP.Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, các chủ tàu vỏ thép cũng cho rằng, tuy được UBND tỉnh công nhận đủ điều kiện, nhưng Nhà máy Đóng tàu Dung Quất… chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn! Vì vậy, tất cả các chủ tàu vỏ thép đều lựa chọn những nhà máy đóng tàu ở các tỉnh, thành phố trong nam, ngoài bắc.
Để tạo thuận lợi cho ngư dân trong việc đóng và sửa chữa tàu công suất lớn và bằng vật liệu mới, mới đây, có 3 đơn vị đăng ký thực hiện Dự án đầu tư cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), với các hạng mục như: Xưởng đóng và sửa chữa tàu hiện đại, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu dân cư nghề cá, kho ngư lưới cụ, kho hàng, xưởng gia công cơ khí-điện, kho xăng dầu và các hạng mục khác…
Tuy nhiên, vì cả 3 đơn vị đều lựa chọn một địa điểm, đó là khu vực tiếp giáp giữa xã Tịnh Kỳ và cảng Tịnh Hòa, nên UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tiến hành quy hoạch, rà soát tất cả các điểm, vị trí và cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá khu vực Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), để tránh tình trạng chồng lấn khi cấp phép.
Về phía ngư dân, khi biết tin sắp có nhà đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền hiện đại, các dịch vụ hậu cần đồng bộ, nên rất phấn khởi. Ngư dân Phạm Tấn Vân, xã Tịnh Kỳ cho rằng: “Có thêm cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền lớn, trang thiết bị máy móc hiện đại, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá chất lượng sẽ giúp ngư dân đỡ phải đi xa, tốn chi phí mỗi khi muốn “làm mới” chiếc tàu”. Tuy nhiên, vì chồng lấn vị trí, nên hiện giờ, các dự án vẫn chưa được cấp phép đầu tư, khiến ngư dân hụt hẫng.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phong cho biết: “Công tác khảo sát và thực hiện quy hoạch mất nhiều thời gian. Vì vậy hiện nay, Sở Xây dựng đang tập trung rà soát, đánh giá toàn diện các vị trí đã và sẽ đủ điều kiện xây dựng các cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá tại các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa và Tịnh Khê để trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép để các dự án sớm triển khai, tạo thuận lợi cho ngư dân”.