(TSVN) – Sáng ngày 17/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Nam bộ chiếm 70 – 75% giá trị kim ngạch toàn quốc. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu là lĩnh vực gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội phục vụ chống dịch. Theo đó, đến cuối tháng 7/2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất; đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Đồng thời, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chỉ khoảng 30 – 40% so đầu tháng 7/2021 trước khi giãn cách toàn vùng. Hiện tại, có 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca nhiễm COVID-19. Qua đó, xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so cùng kỳ. Về phương thức phòng chống dịch của các cơ sở đang hoạt động: “3 tại chỗ” 160/273 cơ sở (chiếm 58,6%); “1 cung đường – 2 điểm đến” 42/273 cơ sở (chiếm 15,4%), “vùng xanh” 5/273 cơ sở (chiếm 1,8%), “3 tại chỗ” kết hợp với “1 cung đường – 2 điểm đến” hoặc kiểm soát khác 66/273 cơ sở (chiếm 24,2%). Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20 – 30%, số còn lại phải nghỉ việc tạo ra hệ lụy lớn về xã hội.
Thông tin tin tại Hội nghị, đại diện VASEP cho biết, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 – 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 – 2 năm. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị COVID-19… Mặt khác, chủ trương của nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch. Nếu các địa phương tiếp tục giãn cách thì khả năng rất khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
Còn theo nhận định của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang, cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng, doanh nghiệp rất lo lắng, không có nguyên liệu chế biến trả các đơn hàng. Nếu thời điểm này thả nuôi tôm gấp thì sẽ có nguyên liệu phục vụ cho thị trường châu Á cuối năm. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã tăng giá mua tôm liên tục để khuyến khích bà con thả nuôi tôm. Hiện giá tôm đã gần bằng so trước dịch COVID-19, nhưng nông dân vẫn lo ngại dịch bệnh, doanh nghiệp không thu mua nên việc thả nuôi vẫn không được như dự tính.
Ảnh minh họa
Đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông thủy sản sau giãn cách xã hội, ngoài tạo thuận lợi trong vấn đề lưu thông, cần ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”; khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến; tăng cường kết nối thị trường để tránh đứt gãy thêm chuỗi sản xuất. Ngoài ra, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp theo các kịch bản và phù hợp tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đối với 13 tỉnh ĐBSCL, cần phải được nhìn nhận như một thực thể kinh tế chứ không phải mảnh ghép của 13 địa giới hành chính. Đã có nhiều địa phương họp để bàn giải pháp sau dịch nhưng nếu chỉ tư duy cho tỉnh mình thì sẽ không bao giờ thành công. Cần phải tư duy lại, tư duy liên vùng. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương cùng thay đổi tư duy; hai bên cùng ngồi lại kiến tạo không gian vừa an toàn phòng, chống dịch và vừa đạt hiệu quả trong sản xuất. Cùng đó, đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh khu vực phía Nam trong kế hoạch phục hồi sản xuất nông nghiệp sau đại dịch phải đưa vào các nội dung là tổ chức lại sản xuất, khuyến khích đưa người dân vào sản xuất trong các THT, HTX và chuẩn hóa lại vùng trồng, vùng nuôi nông sản, thủy sản; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nông sản, khuyến cáo người dân sản xuất giảm chi phí đầu vào bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng với doanh nghiệp trong thời điểm này thì cần xem lại cách quản trị, để làm sao tiết kiệm chi phí sản xuất…