Sau khi Luật Thủy sản 2017 đi vào thực tế, ngư dân đã có phản ánh về những bất cập, Hội Nghề cá Việt Nam đã tổng hợp những ý kiến này và gửi kiến nghị, Bộ NN&PTNT đã có công văn giải đáp mọi thắc mắc.
Trong đó, Bộ NN&PTNT đã nhấn mạnh, sẽ chấp thuận đối với những tàu cá dưới 15 m nhưng công suất từ 90 CV trở lên có nhu cầu cải hoán để đủ hoạt động tại vùng khơi, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao. Đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn hơn 15 m nhưng có công suất dưới 90 CV sẽ xem xét, nếu Giấy phép khai thác còn hạn thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu cải hoán để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp văn bản chấp thuận cho cải hoán tàu cá theo hướng nâng cấp máy tàu để phù hợp hoạt động tại vùng khơi theo quy định. Trường hợp cá nhân không có nhu cầu khai thác tại vùng khơi thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét để cho phép thực hiện cải hoán nhằm phù hợp với điều kiện hoạt động tại vùng lộng.
Cơ quan quản lý sẽ xem xét cho phép cải hoán tàu cá khi chủ tàu có nhu cầu – Ảnh: Huy Hùng
Ngoài ra, trong công văn trả lời lần này, Bộ NN&PTNT cũng giải đáp những kiến nghị về việc sớm công bố danh mục chủng loại các thiết bị giám sát hành trình đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; Chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu cho các tàu cá từ 15 m trở lên; Hay như việc tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống các cảng cá; nâng cao năng lực quản lý, vận hành cảng các và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ…
Cùng đó là tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chẳng hạn như việc tổ chức quản lý, xác nhận nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác, quản lý tàu cá xuất nhập bến của Ban quản lý cảng cá còn nhiều khó khăn, vướng mắc…