Xóm có khoảng hơn 10 hộ, ai cũng ấp ủ ước mơ làm giàu. Họ đoàn kết, sống dựa vào nhau để vượt qua những cực nhọc trên sông nước.
Trong xóm, mỗi nhà bè cách nhau 20 – 30m. Ảnh: PHAN VINH
Khao khát đổi đời
Từ quốc lộ 40B, rẽ vào đập phụ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My), chúng tôi xuôi theo đường mòn bên trạm bảo vệ tìm xuống bến lòng hồ. Vì đã liên hệ từ trước cho một người ở xóm nhà bè này là ông Trần Văn Mạo (45 tuổi, ở tại thôn Mậu Long, xã Trà Sơn) nên chúng tôi nhanh chóng được chở vào trong. Quê ở tỉnh Thanh Hóa, nhưng ông Mạo đã chuyển vào mưu sinh ở Bắc Trà My gần 20 năm nay. Trong ký ức của ông Mạo, ở vùng quê miền Bắc những năm đó, cái nghèo và cái khổ vây kín lấy người bản địa, bởi ngoài chuyện bám víu vào đồng ruộng, mảnh vườn, họ không biết làm gì để phát triển kinh tế. Thế nên, nhiều người đã chọn cách xuôi nam để mưu sinh. Và trong dòng người ấy có ông Mạo.
Đến Bắc Trà My, không có ruộng vườn, đất đai, thời gian đầu, ông Mạo kiếm sống bằng nghề xây dựng, sau này tích lũy được một ít vốn, ông bắt đầu chuyển sang buôn bán. Đến năm 2012, ông đầu tư làm 6 lồng bè để nuôi cá diêu hồng trên khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 1, xã Trà Đốc). Sau 4 tháng, ông cho xuất lứa cá đầu tiên và thu lãi được hơn 30 triệu đồng. Thấy hiệu qua, ông mạnh dạn vay 120 triệu đồng để mở rộng thành 20 lồng và nuôi thêm các loại cá đặc sản như cá chình, lăng, leo,… Đến nay, từ nuôi cá lồng bè, mỗi năm ông thu lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Riêng năm 2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển ở Hà Tĩnh, do ảnh hưởng tâm lý, nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng cá nuôi, làm ăn thuận lợi, ông thu lãi hơn 300 triệu đồng. “Cá của tôi chủ yếu bán cho các thương lái ở Đà Nẵng, Huế và Tam Kỳ. Tôi còn mở một cửa hàng ở chợ Bắc Trà My để bán cá lẻ, mỗi ngày cũng thu được vài trăm nghìn đồng, giải quyết đồng ra đồng vào chi tiêu hàng ngày” – ông Mạo chia sẻ.
Bỏ bờ để xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 nuôi cá không chỉ có hộ ông Mạo mà còn khoảng hơn 10 hộ nữa. Đặc biệt, điều mà hễ ai biết đến cũng thắc mắc, xóm lồng bè gồm 13 hộ nhưng đã có đến 11 hộ là những người quê gốc ở miền Bắc. Trong lúc đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh các lồng bè của mình trên chiếc ghe nhỏ, ông Nguyễn Ngọc Cảnh (50 tuổi, trú thị trấn Bắc Trà My, quê gốc tỉnh Thanh Hóa) giải thích: “Khác với người dân địa phương, họ còn vướng víu nhà cửa, ông bà tổ tiên nên không muốn rời đi. Còn chúng tôi, bỏ quê vào đây đã là một cuộc đánh đổi. Khi con người ta trải qua cái cảnh hai quê, mới biết mọi thứ không có gì là chắc chắn. Bởi vậy, khi nghe nói việc nuôi cá lồng bè dưới lòng hồ thủy điện này rất khá thì chúng tôi rủ nhau cùng xuống đây làm. Dù có đất có nhà trên bờ nhưng vẫn ở dưới này 24/24, chỉ khi cần mua gì thì lên chợ huyện rồi về lại. Cũng giống như mục đích mà ngày trước chúng tôi rời quê vào đây, ai cũng mơ được đổi đời với mô hình này”.
Nghĩa tình ở lòng hồ
Tuy có thu nhập khấm khá nhưng việc nuôi cá và sống dưới các nhà bè của những hộ dân ở xóm lồng bè thủy điện Sông Tranh 2 cũng rất vất vả và chồng chất khó khăn. Năm 2013, anh Huỳnh Viết Dũng (38 tuổi, trú tại thôn 4, xã Trà Tân, quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bán hết tài sản có giá trị ở trên bờ để xuống lòng hồ nuôi cá. Cũng đầu tư dựng nhà bè như những hộ khác, nhưng tính toán đến đường chắc chắn hơn, thay vì làm nhà bè hoàn toàn bằng gỗ, anh đã bỏ ra số tiền hơn 100 triệu đồng để làm khung sắt. “Thế mà cũng không chắc chắn như tôi nghĩ, vào những ngày mưa gió, sóng trong lòng hồ rất mạnh, nhà bè và các lồng bè của tôi liên tục bị đe dọa, để giữ tài sản tôi phải lấy dây buộc các khớp nối. Nhưng sóng mạnh, đập vào lồng, cá thất thoát nhiều không đếm được. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết nhìn mà ứa nước mắt. Đêm đến, mỗi khi mưa to gió lớn, cả nhà cùng mặc áo phao để ngủ bởi không biết nước sẽ xé bè lúc nào” – anh Dũng chia sẻ.
Người dân ở xóm nhà bè thường qua lại thăm nhau.
Chính vì công việc và cuộc sống của những người nuôi cá lồng bè ở đây khắc nghiệt như vậy nên họ phải dựa vào nhau. Mỗi lúc trời mưa gió, nhà bè nào gần bờ thì neo dây cáp vào các thân cây to, tảng đá lớn. Từ đó, những nhà bè xa hơn sẽ níu vào bè gần bờ. Cứ thế, họ quây quần thành một chuỗi liên kết, nương tựa vào nhau cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cũng chính vì vậy mà tình nghĩa làng xóm ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lúc nào cũng khăng khít. Không riêng gì những lúc thiên tai, trong cuộc sống thường nhật, họ cũng thường xuyên qua lại, thăm hỏi và giúp đỡ nhau. Ngoài những lúc kéo rớ và cho cá ăn, hễ nhà nào cần sửa sang cái gì thì huy động các hộ còn lại, họ sẵn sàng chia công với nhau mà không tính thiệt hơn. “Bởi vì khi đã xuống đây rồi, chỉ có làm cùng nhau thôi chứ không thuê hay mướn ai được, nhà này giúp nhà kia. Hơn nữa, cuộc sống dưới này dù có sắm sửa như thế nào rồi cũng thiếu bởi vậy phải mượn qua, mượn lại với nhau. Như, ở đây không có điện nên phải dùng máy phát hoặc bình điện, mà đâu phải lúc nào các nhà bè cũng trữ đầy đủ, nên chúng tôi thường hay san sẻ nguồn điện với nhau” – ông Cảnh chia sẻ.
Tình nghĩa ở khu lồng bè dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 là vậy, họ còn nhường nhịn nhau cả trong việc bán cá cho thương lái. Những tháng gần đây, thị trường cá nuôi bắt đầu lắng xuống, số lượt thương lái lên lòng hồ thu mua cá thưa dần. Thế nhưng mỗi lúc như vậy, họ không tranh giành mà nhường cho nhau cơ hội theo mức độ cần thiết của từng bè. Nhà bè nào có cá đến giai đoạn xuất lồng sẽ được ưu tiên bán trước, cứ thế xoay vòng với nhau.
Theo những người sống tại đây, mỗi năm họ có 2 dịp để cùng ngồi lại với nhau. Giống như lễ cúng xóm ở trên bờ, vào dịp đầu năm và cuối năm, họ cũng làm mâm cơm để cúng trời và nước, mong một mùa vụ nuôi cá thuận lợi.