(TSVN) – Liên tục từ đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đã gặp không ít khó khăn do chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt, thiếu container, cước vận tải biển sang các thị trường chính lại leo thang… Nhưng, tính đến hết tháng 4, xuất khẩu cả bốn nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so cùng kỳ năm 2020, mở ra triển vọng tích cực cho cả năm 2021.
Số liệu thống kê của VASEP cho thấy, tháng 4/2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với giá trị đạt hơn 74 triệu USD, tăng gần 50% so cùng kỳ năm 2020, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm lên gần 226 triệu USD, tăng 15%. Xuất khẩu 2 nhóm mặt hàng là thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 và cá ngừ chế biến khác mã HS16 (trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh) đã tăng trở lại, lần lượt là 17% và 24%.
Thành công này là sự đóng góp rất lớn từ top 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ hành đầu của Việt Nam là: Mariso, Hải Long Nha Trang, Thủy sản Bình Định, Cá ngừ Việt Nam, Vịnh Nha Trang, Hải Vương, Mowi Việt Nam, Đồ hộp Việt Cường, Thịnh Hưng, Thủy sản Trang Thủy. Các đơn vị này chiếm hơn 58% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước; trong đó, dẫn đầu là 3 công ty: Mariso, Hải Long và Thủy sản Bình Định với doanh số đều có sự tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước.
Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ. Ảnh: Vũ Sinh
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 63 thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021. So với cùng kỳ năm 2020, quy mô thị trường xuất khẩu cá ngừ nhỏ hơn rất nhiều, ít hơn 27 thị trường. Nhưng với kết quả tăng trưởng như đã nói ở trên có thể thấy mặc dù quy mô thị trường bị thu hẹp, nhưng với nỗ lực “thích ứng” và vươn lên mạnh mẽ các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đã đẩy mạnh được xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021.
So với 3 tháng đầu năm, tính đến hết tháng 4, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đã có sự “tăng tốc”. Tốc độ tăng trưởng tại các thị trường chính như Mỹ, EU, CPTPP, Israel… đều cao hơn so tháng 3. Dịch bệnh tại các thị trường đang dần được khống chế và kiểm soát, cùng với đó ngành dịch vụ ăn uống cũng dần được mở cửa trở lại. Điều này đã làm cho cơ cấu sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào các thị trường đã có sự chuyển dịch so năm 2020.
Số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, tại phân khúc thị trường thịt/fillet cá ngừ đông lạnh Mỹ năm 2021, các sản phẩm của Việt Nam có giá cạnh tranh tốt và tương đối ổn định so các nước như Philippines, Indonesia hay Thái Lan. Còn với nhóm sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, trong năm nay giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn so các nước đối thủ như Thái Lan, Ecuador hay Mauritius. Giá trung bình nhập khẩu các sản phẩm này của Việt Nam vào Mỹ đang cao nhất trong số 4 nguồn cung chính. Điều này giúp cho Ecuador đang giành bớt thị phần của Việt Nam tại phân khúc thị trường này tại Mỹ. Hiện số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ khá đông đảo, hơn 40 doanh nghiệp; trong đó, Mariso Việt Nam, Highland Dragon và Dragon Waves là top 3 công ty xuất khẩu cá ngừ lớn nhất.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, EU tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu, với kim ngạch đạt 28,4 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang EU, nhóm sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03 (trừ mã HS0304) tăng 64% và cá ngừ đóng hộp tăng 27% so cùng kỳ. Trái lại, xuất khẩu thịt/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS0304 giảm 6,4% và cá ngừ chế biến khác mã HS16 giảm 25%.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực cho phép xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS0304) và 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, điều này đã tạo ra sức hút cho các sản phẩm này của Việt Nam đối với các nhà nhập khẩu cá ngừ EU. Tại thị trường EU, Việt Nam từ vị trí là nguồn cung cá ngừ ngoài khối EU lớn thứ 7 năm 2020 đã vươn lên trở thành nguồn cung lớn thứ 4 vào đầu năm 2021. Hiện Italy, Đức và Hà Lan là 3 nước nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Tác động của đại dịch COVID-19 vẫn khiến cho nguồn cung cá ngừ cho thị trường này bị hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao, thì việc các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, đã khiến cho nhiều nhà nhập khẩu EU lựa chọn các nguồn cung cá ngừ từ Việt Nam.
Đáng chú ý trong quý III/2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy tăng trưởng ngoạn mục liên tục trong cả 3 tháng đầu năm. Italy cũng là nước nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2 trong khối EU. Theo số liệu thống kê của ITC, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 3 cho thị trường Italy sau Indonesia và Trung Quốc. Italy hiện đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ vây vàng xẻ tư (quarter) đông lạnh, chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu.
Hồng Hạnh