Xuất khẩu cá tra: Niềm vui mới, nỗi lo mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tra là một trong những chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, sau khi xác lập kỷ lục xuất khẩu vào năm ngoái, ngành cá tra lại suy giảm mạnh trong năm nay. Đã có những cơ hội mở ra với cá tra Việt Nam, vậy nhưng, nhiều bất lợi đang chờ đón “con cá vàng” này.

Xuất khẩu mở hy vọng 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang một số thị trường lớn vẫn tăng trưởng âm, nhất là thị trường Mỹ hay Brazil, cùng đó, giá nguyên liệu giảm mạnh trong gần suốt năm qua cũng khiến cho xuất khẩu mặt hàng này không thể tăng mạnh.

Vậy nhưng, trong quý cuối cùng của năm, tình hình xuất khẩu cá tra đã có những tín hiệu khá tích cực. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 10 tháng đầu năm tăng đến 19,3% và đang trở thành cứu cánh của một số doanh nghiệp cá tra trong nước. 

Trong tháng 10 vừa qua, cá tra Việt Nam liên tiếp nhận những tin vui tại thị trường Mỹ. Đầu tháng, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15), thuế suất các doanh nghiệp được hưởng là 0%. Mặc dù vẫn còn 120 ngày nữa mới có kết quả chính thức, thế nhưng, con số sơ bộ này cũng khiến cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam thêm hứng khởi. 

10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD

Sau đó không lâu, ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng. Đó cũng là cơ hội để cá tra mở rộng tại nhiều thị trường khác.

 

Nỗi lo đối thủ mới

Cá tra Việt Nam hiện nay đã không còn được “một mình một chợ” mà đang phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều đối thủ đáng gờm. Điển hình nhất là Ấn Độ, Trung Quốc. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), sản lượng cá tra của Ấn Độ dự báo sẽ tăng 8%, lên 630.000 tấn vào năm 2020. Đây có thể sẽ là đối thủ cạnh tranh mới và mạnh của ngành cá tra Việt Nam.

Trong nhiều năm nay, nuôi cá tra đang dần trở thành một phần quan trọng của ngành thủy sản Ấn Độ. Bởi người tiêu dùng nước này ngày một ưa chuộng sản phẩm cá tra. Cá tra của Ấn Độ hiện được sản xuất chủ yếu tại bang Andhra Pradesh, tuy nhiên nước này đang mở rộng thêm sang các bang khác như Bihar, Tripura, Uttar Pradesh và West Bengal. Sản lượng tăng mạnh có thể khuyến khích các nhà sản xuất Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu cá tra.

Nhận định về tình hình này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư công nghệ cao để chủ động nuôi cá tra. Kế hoạch nội địa hóa cá tra của Trung Quốc đang được nước này khuyến khích đầu tư. 

Mặc dù, xuất khẩu cá tra Việt Nam thị trường Trung Quốc hiện vẫn tăng trưởng tốt, thế nhưng sẽ không đạt kỳ vọng và rất khó đoán định trong tương lai. Để giữ vững được vị thế tại các thị trường, ngành cá tra buộc phải thay đổi. Ở trong nước, nhất thiết phải nuôi theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt. Ngoài ra, cần tạo sự liên kết chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc. Cùng đó, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, quản trị tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường hỗ trợ nhau cùng phát triển…

>> Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng 19,3%; EU tăng 3,6%; ASEAN tăng 1,6% và Mexico tăng 2,9%; còn lại các thị trường lớn ghi nhận sự sụt giảm 2 con số.  

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!