Dự báo, xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 5% so năm 2015. Thuế chống bán phá giá, chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ và áp lực cạnh tranh với các loại cá thịt trắng sẽ là những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam tiếp tục giảm.
Để khắc phục điều này, cá tra Việt Nam cần tích cực gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu hiện có và chủ động tìm cách mở rộng thị trường mới.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2015 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái. Trong số 8 thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá tra Việt Nam, có đến 6 thị trường giá trị xuất khẩu giảm so cùng kỳ năm 2014.
Tại hầu hết các thị trường lớn, cá tra Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là scandal tại thị trường EU vì phát hiện tỷ lệ mạ băng vượt mức cho phép khiến nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu chậm; giá bán không tăng; các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn. Tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra fillet đông lạnh Việt Nam vào Mỹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho biết, theo phán quyết của DOC, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Công ty CP Hùng Vương và Công ty TNHH SX TM&DV Thuận An phải chịu thuế suất bắt buộc, lần lượt là 0,36 và 0,84 USD/kg. Ngoài ra, 16 công ty khác cũng phải chịu mức thuế 0,6 USD/kg. Với mức thuế cao như vậy, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Mỹ.
Ngoài ra, các quy định mới trong chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ cũng làm khó các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam. Từ tháng 9/2017, tất cả các nước phải nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và chứng minh chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS). Nếu không tuân thủ theo các yêu cầu đó sẽ bị cấm xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho rằng, năm 2016, các doanh nghiệp đừng quan tâm nhiều vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, hãy nhắm đến châu Á, bao gồm Trung Quốc và 10 nước ASEAN với dân số trên 3 tỷ người.
Để ngành cá tra Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành Nghị định 36 nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra. Đồng thời, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cần tăng cường chính sách thúc đẩy quảng bá sản phẩm cá tra trong và ngoài nước để đẩy tiêu dùng, ông Minh đề nghị.
Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác, tỷ lệ mạ băng không được quá 10%. Hàm lượng nước tối đa không được quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra fillet sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm. Tuy nhiên, sau một bản kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, việc thực hiện các quy định của Nghị định 36 được hoãn lại 1 năm.
+ Mấy năm gần đây, trữ lượng cá biển Ấn Độ giảm mạnh, ngư dân chỉ đánh bắt được cá nhỏ. Do đó, fillet cá tra, basa Việt Nam trở thành lựa chọn thay thay thế hoàn hảo nhất. Cá basa Việt Nam rất “có duyên” với Ấn Độ, các nhà xuất khẩu không nên bỏ lỡ thị trường tiềm năng này, Mike Urch cho biết. + Với dân số 617 triệu, Mỹ La tinh nói chung, Brazil (205 triệu người), Mexico (122 triệu người) và Peru (30,4 triệu người) nói riêng là những thị trường tiềm năng mà thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra nên hướng đến. Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang Peru. Tuy nhiên, muốn thành công, điều quan trọng nhất là phải chú phương pháp bảo quản đông lạnh để tránh làm hỏng và mất khẩu vị cá, Michael Akester chia sẻ. |