(Thuỷ sản Việt Nam) – Theo thông lệ hàng nằm, sau Tết Nguyên đán là thời điểm doanh nghiệp thủy sản sống trong nỗi sợ thiếu nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên năm nay, có vẻ tình trạng này đã không lặp lại.
Chủ động nguồn nguyên liệu
Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hiện tổng diện tích nuôi tôm của Công ty tại Kiên Giang, Vũng Tàu và Cà Mau đã ở mức 1.200 ha.
Việc mở rộng diện tích mỗi năm thêm 200 ha nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Công ty để tiến tới chủ động được nguồn nguyên liệu thay vì quá phụ thuộc bên ngoài. Với 1.200 ha nuôi thủy sản như hiện nay đã giúp Minh Phú đáp ứng được gần 70% nhu cầu của Công ty trong năm 2012.
Ngoài việc chủ động nguồn nguyên liệu, chiến lược này của Minh Phú còn đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các loại kháng sinh đang được người nuôi trồng thủy sản sử dụng không hợp lý trong thời gian qua để tạo một chu trình khép kín từ trang trại, chế biến đến bàn ăn, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới, đặc biệt, tại những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chỉ tiêu kháng sinh trong thủy sản như Nhật Bản, Mỹ. Việc chủ động nguồn cung thủy sản cũng để giúp Minh Phú tiếp tục là đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam trong những năm tới.
Hiện, nhiều nhà máy chế biến thủy sản lớn tại ĐBSCL đang hoạt động hết công suất Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà máy chế biến thủy sản lớn tại ĐBSCL đang hoạt động gần hết công suất. Đây là một tín hiệu vui cho ngành thủy sản vì trong những năm qua, nhiều nhà máy chỉ hoạt động khoảng 70% công suất chế biến vì thiếu nguyên liệu.
Đa dạng hóa sản phẩm
Năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo châu Âu sẽ nằm trong tình trạng khó khăn và dĩ nhiên, mức tiêu thụ thủy sản nhập khẩu của thị trường này sẽ giảm theo.
Do biết trước khó khăn từ thị trường châu Âu nên nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản nước ta đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm chế biến để đáp ứng thị hiếu của những thị trường mới, trong đó, Nam Mỹ đang có sự tăng trưởng đáng kế. Theo thống kê chưa đầy đủ thì quý 1/2012, nhu cầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam của thị trường châu Mỹ đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
Do khó khăn về kinh tế, số lượng đơn hàng thủy sản cho những sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam giảm, nhưng ở một khía cạnh nào đó, đây là cơ hội cho ngành chế biến thủy sản Việt Nam trong việc chế biến những sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ các công ty thủy sản châu Âu nhượng lại.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng, mọi năm các công ty thủy sản châu Âu như Pháp, Đức…. thường mua nguyên liệu từ châu Á về chế biến, gia công những sản phẩm giá trị tăng cho thị trường châu Âu, nhưng nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên những công ty này buộc phải nhượng lại cho các công ty Việt Nam chế biến. Một số công ty tại Pháp, Đức… đã sang Việt Nam để tìm doanh nghiệp làm thay việc nói trên.
Thực tế, khủng hoảng kinh tế khiến tầng lớp có thu nhập thấp, trung bình giảm nên buộc phải thắt chặt chi tiêu, nhưng với những tầng lớp có thu nhập cao thì nhu cầu về những sản phẩm thủy sản có giá trị cao chưa có dấu hiệu giảm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp thủy sản nước ta đang tính đến phương án chế biến những sản phẩm có giá trị cao để đáp ứng tầng lớp dân cư này thay vì xuất khẩu những sản phẩm thô, ít tiền cho những những công ty, nhà bán lẻ ở châu Âu chế biến lại thành những sản phẩm có giá trị cao cung cấp cho thị trường.
Ngoài thị trường châu Mỹ, trong đó, Nam Mỹ có mức tăng đột biến thì nhiều doanh nghiệp xem châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, thị trường Bắc Phi cũng có mức tăng trưởng khá và không đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm nên doanh nghiệp không gặp khó trong tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có thể thiếu nguyên liệu thủy sản, đặc biệt là cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhiều doanh nghiệp chưa xem trọng những thị trường này vì xuất khẩu có thể nhiều nhưng lợi nhuận thu về không lớn. Thực tế, các doanh nghiệp luôn hướng đến lợi nhuận, xem đó là động lực để phát triển nên nhiều doanh nghiệp xem đầu tư vào chế biến sâu để tăng lợi nhuận thu về.
>> Năm 2012, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm cách thích nghi với thị trường để có lãi, bất chấp những khó khăn từ nền kinh tế thế giới mà trong đó, hướng đến những sản phẩm có giá trị cao xem như một cách để đưa doanh nghiệp đi ra biển lớn.
Vũ Hạ