(TSVN) – Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, giá trị xuất khẩu cũng tăng theo. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt trên 24,23 tỷ USD, thặng dư thương mại 3,14 tỷ USD.
Dịch COVID-19 đã tác động gây ảnh hưởng đến đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics); các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tác động tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế. Nhờ đó, xuất khẩu nông sản đã đạt được kết quả khả quan.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%, trong đó nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%. Tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 3,82%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%.
Với lĩnh vực thủy sản, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng ước đạt 3,27 tỷ USD, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2020, các mặt hàng dự báo tăng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 và tận dụng tốt các lợi thế của Hiệp định EVFTA là tôm, cá tra và cá ngừ. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm tiếp tục được giữ vững, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và có những chuyển biến tích cực khi kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5,15 tỷ USD tăng 36,2% so cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,6% thị phần. Tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới gặp nhiều áp lực, đặc biệt là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước vừa qua trùng với thời điểm mùa vụ thu hoạch các nông sản chính. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm qua các đợt dịch trước, các địa phương đã chủ động và có nhiều sáng kiến trong thúc đẩy lưu thông hàng hóa vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng tránh dịch nên tình hình tiêu thụ hiện nay tại các cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn là tương đối tốt, chưa có sự ùn ứ cục bộ lớn.
6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới được dự báo có nhiều khởi sắc, thương mại hàng hóa toàn cầu có xu hướng phục hồi cao hơn so với trước đại dịch do nhiều quốc gia triển khai nhanh việc tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc hồi phục các chuỗi sản xuất và nguồn cung còn phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh nên thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp quyết tâm xuất khẩu nông sản cả năm đạt 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD) bằng các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm như nông sản chính 21,5 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ 14 tỷ USD, thủy sản 8,5 tỷ USD.