Giá cả bấp bênh, nguyên liệu không ổn định, giá xuất khẩu giảm mạnh, rào cản kỹ thuật từ nước xuất khẩu (XK) tăng… Những khó khăn không mới này tiếp tục gây trở ngại lớn cho ngành thủy sản năm 2013.
Nhận diện khó khăn
Đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng 30% doanh nghiệp (DN) thủy sản phá sản, gần 50% đang hết sức khó khăn, số người nuôi bỏ ao cũng không nhỏ. Nguyên nhân ai cũng rõ nhưng để giải quyết thì không thể một sớm một chiều.
Trở ngại lớn nhất đối với ngành thủy sản trong năm 2013 vẫn là thiếu vốn sản xuất. Lãi suất đã hạ xuống 12%, một số ngân hàng đồng ý giãn nợ cho người nuôi tôm và cá tra. Nhưng để chính sách đi vào cuộc sống, vẫn luôn có độ trễ nhất định. Bởi thế việc tiếp cận vốn ưu đãi đối với DN và người nuôi trồng thủy sản vẫn còn không ít gian nan. Chính sách giãn nợ cũng chưa thể cứu được DN và người nuôi, khi họ bị thua lỗ do chi phí sản xuất tăng nhanh, trong khi giá bán, nguyên liệu không ổn định, phụ thuộc biến động thị trường nước ngoài… Những khó khăn kéo dài từ năm này sang năm khác khiến ngành thủy sản càng lao đao.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là căn bệnh trầm kha của ngành thủy sản, khoảng 3 năm nay càng bức xúc hơn; DN phá sản, người nuôi chán nản, bỏ hầm, treo ao do lỗ nặng ngày càng tăng. Năm 2012, XK tôm không đạt mục tiêu, chủ yếu do thiếu nguyên liệu. Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục được khó khăn này, trước hết cần phải liên kết các hộ nuôi trồng nhỏ lẻ với nhau; hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy định về điều kiện sản xuất để dễ kiểm soát dịch bệnh hay ngăn chặn sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi… “Một trong những việc cần làm ngay năm 2013 này là ổn định nguồn nguyên liệu” – Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.
Năm 2013, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vẫn là trở ngại lớn cho ngành thủy sản – Ảnh: Thành Long
Một trong những khó khăn lớn khác của ngành thủy sản là vấn đề thị trường. Việc phải đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật do nước nhập khẩu đưa ra cũng là thách thức lớn mà ngành thủy sản phải đối mặt trong năm 2013. Hiện, EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản nước ta, nhưng đến thời điểm này kim ngạch vẫn tăng trưởng âm. Trong khi đó, tại Nhật, vấn đề Ethoxyquin tiếp tục chi phối xuất khẩu tôm sang thị trường này; XK tôm sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh XK thủy sản trên thế giới ngày càng gay gắt; trong đó Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ có xu hướng hạ giá bán sản phẩm tôm, Bangladesh bắt đầu thúc đẩy sản xuất tôm thẻ chân trắng…, tạo áp lực lên tôm Việt Nam XK. Đối với cá tra, đến nay Việt Nam vẫn là nước sản xuất và XK lớn nhất thế giới, song Thái Lan, Phillipines và nhiều nước khác đang tích cực đầu tư nuôi, XK cá tra, sẵn sàng cạnh tranh với Việt Nam thời gian tới.
Cần vào cuộc đồng bộ
Kim ngạch thủy sản luôn tăng, nhưng khó khăn đối với ngành công nghiệp này chưa bao giờ bớt. “Tăng lượng giảm chất” đang là điểm yếu của ngành nông nghiệp nói chung, XK thủy sản nói riêng. Làm sao để vừa đảm bảo đúng mục tiêu sản lượng XK nhưng vẫn đạt giá trị kim ngạch cao trong một năm được dự báo không mấy thuận lợi này, đang là bài toán khó đối với toàn ngành.
Hiện, XK thủy sản Việt Nam chủ yếu vẫn là XK thô, nhiều DN đang XK tôm sống, nguyên con hoặc chỉ sơ chế sang một số thị trường lân cận. XK tôm thô hiện đang được bán với giá cao, nhưng những lợi thế này đang được cảnh báo về thực trạng thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng trong tương lai. Do vậy, để ổn định sản xuất, hướng tới phát triển bền vững, DN cần chú trọng việc XK chế biến sâu để nâng cao giá trị.
Đại diện một DN chế biến ở Cần Thơ cho rằng, để gỡ khó, DN phải tìm cách sử dụng đồng vốn hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, cần tập trung vào các sản phẩm dòng trung bình, tăng mạnh dòng cá tra cắt khúc… nhằm mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, theo lãnh đạo một DN xuất khẩu tại Cà Mau, “các DN cần tăng cường hợp tác, liên kết trong chế biến, XK thủy sản trong nước với DN nước ngoài… Bản thân công ty chúng tôi cũng xác định tập trung vào dòng sản phẩm đang được thị trường hướng đến như tôm tươi nguyên con và tôm tẩm bột, dòng sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chạy đua số lượng như năm 1012”.
Đại diện VASEP nhấn mạnh, năm 2013 phải giải quyết được ba vấn đề trọng tâm: Ổn định nguồn nguyên liệu, chú trọng nhập khẩu nguyên liệu và xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, để giải quyết được cả ba vấn đề này, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng giúp DN giải tỏa khó khăn.
Để ổn định nguồn nguyên liệu, Bộ NN&PTNT cần tăng cường giải quyết sớm các vấn đề về dịch bệnh, quy hoạch chung vùng nuôi tôm để bảo đảm nguồn và chất lượng nguyên liệu, từ đó giúp cho hàng hóa có giá cạnh tranh. Mặt khác, do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu ngày càng tăng, dự kiến năm 2013 lên tới 70 – 100 triệu USD/tháng, VASEP cho rằng Bộ Tài chính nên tiếp tục xem xét đưa thuế suất nhập khẩu nguyên liệu chế biến phục vụ XK về 0%; ngành ngân hàng cần giãn và cơ cấu lại nợ cho các DN, cho vay bổ sung vốn trung và dài hạn để nuôi cá tra.
>>VASEP dự kiến, năm 2013 chi phí đầu vào chế biến XK thủy sản sẽ tăng khoảng 30%, trong khi nguồn vốn cho XK vẫn là bài toán khó. VASEP đã không ít lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền dành vốn ưu đãi cho DN thủy sản, nhưng đến nay vấn đề tiếp cận vốn này vẫn nhiều tranh cãi. |