Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản từ 1 – 15/3/2020, đạt 1,26 tỷ USD, giảm 11,7% so cùng kỳ năm 2019; lũy kế 3 tháng đầu năm, trị giá đạt 1,59 tỷ USD, giảm 11,2%.
Theo ước tính, tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,7% so tháng 2/2020, nhưng giảm 11,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 1,59 tỷ USD, giảm 11,2%. Xuất khẩu thủy sản thời gian qua bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19; tại một số thị trường chính có những biến động nhất định; với Trung Quốc đã có những cải thiện nhất định khi dịch được khống chế, nhưng tại Mỹ và EU thì dịch đang bùng phát mạnh, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã được thông báo tạm hoãn đơn hàng.
Tiêu thụ tôm tại các nhà hàng giảm do lệnh phong tỏa, nhưng tại các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ lại tăng. Như tại Hà Lan, thống kê của một số siêu thị lớn ở đây, doanh số bán tôm tăng 1,4 – 2,2 lần so bình thường. So với nhà cung cấp tại Ấn Độ và Bangladesh, Việt Nam có thể sẽ ít khó khăn hơn với xu hướng tiêu dùng tại châu Âu. Ngoài ra, mặt hàng tôm tại Việt Nam vốn tập trung chủ yếu ở hệ thống bán lẻ ở châu Âu, nên nhu cầu tăng cao tại phân khúc này có thể giúp Việt Nam bù đắp lại mức giảm từ doanh số tại kênh bán buôn. Cùng đó, EVFTA chính thức được phê chuẩn sẽ là yếu tố giúp ngành thủy sản Việt nam vượt qua khó khăn tận dụng được nhiều cơ hội hơn tại EU trong mùa dịch COVID-19 này.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, các cửa hàng đã mở cửa trở lại nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản sẽ tăng trong thời gian tới. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, hơn 140.000 công ty kinh doanh thực phẩm tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã hoạt động trở lại từ giữa tháng 3/2020.
Do vậy, các trang trại NTTS cần thu hoạch theo đúng kế hoạch, không vội vàng, tránh bị thương lái lợi dụng ép giá. Đồng thời, với vụ nuôi tôm mới, cần cẩn trọng, theo dõi khuyến cáo từ các ngành chuyên môn, thả nuôi mật độ vừa phải, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.