Xuất khẩu thủy sản: Đầu không xuôi, liệu đuôi có lọt?

Chưa có đánh giá về bài viết

Bảy tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản không như mong đợi. Để có thể hoàn thành kế hoạch, việc gấp bây giờ là tìm ra giải pháp thúc đẩy thị trường hoặc khơi thông bế tắc cho doanh nghiệp.

Nghịch lý xuất giảm, nhập tăng

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 7 là 532 triệu USD; tính chung 7 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân giảm được cho là do các thị trường chính đều giảm. Sáu tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 579 triệu USD, giảm gần 28% so cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, thị trường truyền thống như Nhật Bản và thị trường mới nổi như Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu cũng giảm. Vì thế, giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm giảm là hệ quả tất yếu.

Với thủy sản nuôi, theo Bộ NN&PTNT, dù sản lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng có xu hướng giảm nhưng cũng là bình thường trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thủy sản trồi sụt như thời gian qua. Bẩy tháng đầu năm 2015, sản lượng tôm sú 131.000 tấn (giảm gần 4% so cùng kỳ năm ngoái), tôm thẻ chân trắng 118.9000 tấn (giảm 11,6%).

Giá bán tôm ở nhiều thị trường vẫn thấp – Ảnh: An Đăng

Ở chiều hướng ngược lại, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đang có dấu hiệu tăng. Theo Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm Việt Nam đã bỏ ra 609 triệu USD để nhập thủy sản, tăng 1,3% so cùng kỳ 2014. Những thị trường bán thủy sản cho Việt Nam là Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, song dẫn đầu là Ấn Độ khi chiếm hơn 30% tổng giá trị;mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam nhập nhiều là tôm.

 

Nhập nhiều chi phí có giảm?

Theo một số doanh nghiệp, việc nhập thủy sản một phần để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước, nhưng đó cũng là cách để “tìm một giải pháp thay thế” do giá xuất khẩu giảm. Ông T.A, giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở phía Nam cho biết, mấy năm nay giá tôm nguyên liệu nhập khẩu từ các nước trong khu vực thường thấp hơn 1 – 2 USD/kg so với nguồn cung trong nước. Để đối phó giá tôm xuất khẩu giảm, doanh nghiệp chỉ còn cách giảm chi phí và trong các khâu ấy, giá đầu vào quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Cũng theo vị giám đốc này, trong bối cảnh khó khăn về thị trường, tỷ giá bất ổn, doanh nghiệp thủy sản phải cố gắng xoay sở để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, dù giá xuất khẩu giảm nhưng vẫn bán được và có lãi, là một áp lực đối với ban giám đốc. Vì thế, các doanh nghiệp cố gắng có những quyết định tập trung nhập khẩu thay vì mua từ nguồn cung trong nước. “Mua được nguồn nguyên liệu giá rẻ đồng nghĩa với việc chúng tôi có thêm đơn hàng mới với giá cả cạnh tranh; qua đó không còn phụ thuộc những thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật nữa”, ông T.A nói. 

Việc doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu để đối phó tình trạng xuất khẩu khó khăn hiện nay, không thể trách doanh nghiệp, vì họ cần có những kế hoạch kinh doanh mang lại lợi nhuận. Song, ở một khía cạnh khác,  là một câu hỏi đặt ra cho ngành nuôi trồng thủy sản trong nước, trước yêu cầu giảm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh; nếu không, hậu quả sẽ khôn lường.

>> Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay có thể giảm khoảng 700 triệu USD so năm 2014, chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Áp lực giảm giá bán ở nhiều thị trường khiến giá cá tra, tôm vẫn thấp, nông dân đang phải chịu lỗ.

Tiểu Kiều

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!