(TSVN) – Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so cùng kỳ năm 2020. Lũy kế từ đầu năm đến 15/8/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,8%.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8/2021 đã bị tác động mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát, buộc TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 853,77 triệu USD, tăng 0,56% so với tháng 6/2021 và tăng 7,88% so tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,977 tỷ USD, tăng 13,27%, chiếm 2,67% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ và nhiều nước châu Âu tiếp tục tăng mạnh so cùng kỳ năm 2020; trong khi xuất khẩu sang khu vực châu Á tăng thấp hoặc giảm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng so cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 11,6%. Tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ và EU tăng mạnh do các doanh nghiệp tận dụng tốt nhu cầu tăng mạnh trên thị trường, trong khi các nước xuất khẩu khác chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.
Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chậm lại do dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Do dịch lây lan mạnh và diễn biến phức tạp, các cơ quan địa phương khuyến nghị doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất nếu có thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, theo phản ảnh từ các doanh nghiệp, các yêu cầu nói trên gây ra rất nhiều khó khăn cho vận hành sản xuất và phát sinh chi phí.
Về thị trường một số mặt hàng chủ lực trong nước như tôm và cá tra cũng ghi nhận sự sụt giảm. Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tuần (từ ngày 16 – 20/8), thị trường cá tra nguyên liệu trong nước vẫn chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giao dịch hạn chế. Hoạt động bắt cá nguyên liệu của các doanh nghiệp gặp khó do các địa phương đang thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp lớn duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, chủ yếu làm hàng kho và giữ ở mức công suất thấp do hạn chế về nhân lực và nguyên liệu. Tại An Giang, Cần Thơ, các công ty gia công đi thị trường Trung Quốc hầu hết đã tạm ngưng vì không bắt thêm được cá nguyên liệu và cũng không đủ khả năng để tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Giá giữ ở mức mặt bằng chung trong khoảng 21.500 – 22.000 đồng/kg cho cá size 850 – 1,1 kg. Thị trường cá tra giống tại ĐBSCL tạm ngưng trệ, các hộ nuôi cá tra giống sau khi xuất ao tháng trước cũng tạm treo ao.
Còn thị trường tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tuần 16 – 20/8 vẫn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; giá thấp là mối lo của cả bà con nuôi tôm cũng như người mua tôm. Các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh ngay từ khâu sản xuất nguyên liệu. Sau hơn 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm tại nhiều nhà máy chế biến ở ĐBSCL bị đảo lộn, một số đơn vị buộc phải đóng cửa do không thực hiện được “3 tại chỗ” hoặc nghi ngờ có ca nhiễm COVID-19.