(Thủy sản Việt Nam) – Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1 năm nay xuất khẩu thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu vui để ngành thủy sản tự tin bước vào quý 2. Dĩ nhiên, thị trường châu Á sẽ được kỳ vọng nhất.
Tăng trưởng ngoài dự đoán
Trong ba thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản từ trước đến nay, trong quý 1/2012 chỉ có thị trường EU giảm 8,5% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Đức giảm đến 24% giá trị nhưng bù lại những thị trường như Pháp, Ý kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đều tăng.
Mặc dù, từ cuối năm 2011 Nhật Bản đã kiểm tra 100% kháng sinh các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam nhưng 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường này không giảm như những dự đoán ban đầu của doanh nghiệp thủy sản vào thời điểm đầu năm 2012 mà lại có những tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng gần 26%. Đây là kết quả gây bất ngờ với nhiều doanh nghiệp thủy sản.
Nhờ vào đa dạng sản phẩm, giá cả hợp lý phù hợp với tầng lớp trung lưu nên trong 3 tháng đầu năm 2012 thị trường châu Á trở thành một cứu cánh cho doanh nghiệp thủy sản bù đắp sự giảm sút ở EU.
Quý 1, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng 13,5% – Ảnh: An Đăng
Ngoài Nhật Bản thì Hàn Quốc có mức tăng trưởng giá trị trên 30%, Hồng Kông, Trung Quốc là 44%. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng trở thành bạn hàng lớn của thủy sản nước ta khi một lượng đơn hàng của thủy sản được xuất qua đây. Mức tăng trưởng tại thị trường ASEAN trong quý 1 hơn 16%.
Một thị trường khác giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng khá cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp như thị trường Mexico tăng gần 35%, Úc gần 41,5%, Canada gần 9% về giá trị.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sở dĩ quý 1 giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 13,5% là nhờ lường trước được những khó khăn từ thị trường EU nên nhiều doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường mới để thay thế.
Một yếu tố khác khiến thủy sản Việt Nam có mức tăng trưởng cao tại những thị trường châu Á, Trung Mỹ, Bắc Mỹ, Úc là do thủy sản Việt Nam có mức giá cạnh tranh so với nhiều mặt hàng thủy sản của các nước trong khu vực.
Ấn tượng tôm thẻ chân trắng
Khác với những năm trước, năm nay, mặt hàng tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của doanh nghiệp thủy sản. Mức tăng trưởng trong quý 1 của mặt hàng tôm thẻ chân trắng gần 54%, trong khi, giá trị xuất khẩu của tôm sú lại giảm đến 11%.
Với tình hình dịch bệnh trên tôm sú bùng phát như thời gian qua, nên từ cuối năm 2011, Bộ NN&PTNT đã cho người dân chuyển sang nuôi TTCT để tránh dịch bệnh.
Chính nhờ có chính sách kịp thời nên Việt Nam vẫn có một lượng hàng để cung cấp cho các thị trường ngoài 3 thị trường truyền thống nói trên vốn thích những sản phẩm có giá phù hợp với tầng lớp thu nhận trung bình và trung lưu tại châu Á, châu Mỹ.
Bên cạnh TTCT, các mặt hàng hải sản khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc đều có sự tăng trưởng mạnh về giá trị. Chính nhờ những mặt hàng này được những thị trường như Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên góp phần đem về cho Việt Nam một lượng ngoại tệ lớn trong quý 1. Và tiềm năng thị trường châu Á vẫn còn rất lớn nếu doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có chiến lược tiếp thị hình ảnh cũng như tạo ra những sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân những nước này.
Quý 2: vẫn nhiều tiềm năng
Với những kết quả nói trên, nhiều khả năng quý 2 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục bội thu. Có nhiều cơ sở để tin vào điều này.
Thứ nhất, Việt Nam đã không quá phụ thuộc vào những thị trường truyền thống như EU trong xuất khẩu thủy sản. Thay vào đó là những thị trường mới nổi như châu Á, Trung và Nam Mỹ, hay Úc. Mật độ dân số ở những thị trường này lớn hơn nhiều so với EU.
Thêm vào đó, phân khúc thị trường mà doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thế mạnh là tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp nên châu Á, Trung và Nam Mỹ trở thành một thị trường rộng lớn cho thủy sản Việt Nam không những hiện tại mà còn nhiều năm sau đó.
Thị trường châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc rất thích sản phẩm thủy sản Việt Nam đặc biệt là những mặt hàng chế biến từ hải sản. Có thể chắc chắn một điều, mức tiêu thụ thủy sản của những thị trường này trong những tháng tới không giảm mà sẽ tăng.
Một yếu tố khác hỗ trợ là vào tháng 3, 4 là thời điểm biển đẹp nên số lượng tàu cá sẽ ra khơi nhiều hơn, như vậy, sản lượng hải sản đánh bắt được cũng tăng lên. Qua đó, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến hải sản nhằm đáp ứng những đơn hàng trong quý 2 mà có thể còn cho cả quý 3. Do vậy, có thể trước mắt, doanh nghiệp thiếu tôm sú, cá tra để chế biến xuất khẩu thì những doanh nghiệp có thế mạnh về chế biến hải sản sẽ có cơ hội mở rộng thị trường.
>> Giá thủy sản Việt Nam hợp với túi tiền của người nội trợ châu Á nên nhu cầu nhập khẩu hải sản từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.
Vũ Hạ